“Bà trùm” Hứa Thị Phấn trốn thuế hơn 177 tỷ đồng?
Bị can Hứa Thị Phấn đã kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có sai lệch với số thuế TNCN chênh lệch qua giám định là hơn 177 tỷ đồng.
VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố đối với bà Hứa Thị Phấn , nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín (sau đổi thành VNCB và nay là CB), nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 27 đồng phạm vì gây thiệt hại 6.362 tỷ đồng cho Ngân hàng Đại Tín.
Con số thiệt hại trên liên quan đến 2 hành vi trong đó có việc nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.105 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, ngày 7/2/2012, bị can Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM từ CTCP Địa ốc Lam Giang với giá 450 tỷ đồng. Đến ngày 13/2/2012, bị can Phấn bán lại cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng.
Kết luận giám định thuế của Bộ Tài chính ngày 27/2/2015: số thuế TNCN bị can Phấn đã kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có sai lệch, cụ thể số thuế TNCN đã kê khai nộp thuế là 25,2 tỷ đồng; số thuế TNCN qua giám định thuế là hơn 202 tỷ đồng; số thuế TNCN chênh lệch qua giám định là hơn 177 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi trên của bị can Phấn có dấu hiệu phạm tội Trốn thuế – quy định tại Điều 161 Bộ Luật hình sự 1999.
Tuy nhiên hành vi trên của bị can Phấn và đồng phạm trong việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bán cho ngân hàng với giá 1.260 tỷ đồng, trong khi giá thị trường theo kết luận định giá của Hội đồng định giá trong Trung tâm hình sự chỉ là 155 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 1.105 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phấn và 10 bị can về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 140, 165 BLHS năm 1999.
Hành vi này của bị can Phấn đã bị khởi tố và xử lý hình sự về tội chiếm đoạt, nên không xem xét xử lý về hành vi trốn thuế và kiến nghị xem xét xử lý số tiền thuế TNCN bị can Phấn đã nộp Kho bạc Nhà nước là 25,2 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, các tài liệu chứng cứ đã thu thập được, lời khai nhận tội của các bị can và lời khai của các đối tượng liên quan, đủ cơ sở để xác định:
Bị can Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% cổ phần Ngân hàng Đại Tín và là cố vấn cao cấp của HĐQT, đã thông qua Lâm Kim Dũng, Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ, chỉ đạo Công ty TrurstAsset của Ngân hàng Đại Tín (công ty không có chức năng thẩm định giá) tiến hành thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bị can Phấn lên 1.268 tỷ đồng, cao gấp hơn 8 lần giá thị trường (theo kết quả định giá trong TTHS của Hội đồng định giá trong tố tụng TP.HCM xác định giá thị trường thời điểm tháng 2/2012 là hơn 154 tỷ đồng).
Bị can Phấn chỉ đạo Lâm Kim Dũng mua bán lòng vòng lấy tiền ra sử dụng, sau đó chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng, hạch toán thu chi khống để hợp thức việc mua bán trước đó, chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.
Số tiền chiếm đoạt trên là tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Đại Tín, không phải tiền của các cổ đông, không phải tiền của bị can phấn, bởi vì theo Kết luận thanh tra số 224 ngày 10/7/2012 của NHNN đối với Ngân hàng Đại Tín, xác định thời điểm ngày 29/2/2012, Ngân hàng Đại Tín bị lỗ lũy kế hơn 6.061 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2.800 tỷ đồng.
Hành vi gian dối trong việc nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bị can Phấn để bán cho Ngân hàng Đại Tín là hành vi rút tiền gửi của khách hàng do Ngân hàng Đại Tín đang quản lý để chuyển sang sở hữu của bị can Phấn. Số tiền mua bán căn nhà trên, bị can Phấn trực tiếp sử dụng toàn bộ và đã chiếm đoạt số tiền đó, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 1.105 tỷ đồng.
BizLive