ASEAN thảo luận vấn đề dùng vũ lực trên biển

Việc lực lượng công vụ sử dụng vũ lực trong vùng biển đang tranh chấp gây leo thang căng thẳng, theo học giả tại hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 3 về tăng cường hợp tác thực thi luật pháp trên biển do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại Australia và Ủy ban châu Âu tổ chức đã diễn ra theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp hôm 16-17/3.

Các đại biểu tham gia cuộc họp hôm 17/3. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Quan chức, nhà nghiên cứu và chuyên gia đầu ngành về an ninh và thực thi pháp luật trên biển đến từ các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận nguy cơ xảy ra va chạm, sự cố đang gia tăng khi các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đẩy mạnh hoạt động.

Một khía cạnh được quan tâm là sử dụng vũ lực trong thực thi pháp luật trên biển. Nhiều học giả cho rằng luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, có điều khoản cho phép sử dụng vũ lực khi thi hành công vụ, nhưng nhấn mạnh điều này chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết và phù hợp, là biện pháp cuối cùng sau khi mọi phương án khác đã được thực hiện và phải kèm theo hạn chế cần thiết.

Giới học giả khẳng định sử dụng vũ lực cần tuân thủ các nguyên tắc, quy trình chung, đặc biệt tránh gây nguy hại tới tính mạng và chỉ tiến hành trong vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia, cảnh báo nguy cơ leo thang căng thẳng nếu hành động này diễn ra tại vùng biển đang có tranh chấp.

Để tạo cơ sở cho hợp tác, các đại biểu cho rằng cần tích cực triển khai những biện pháp xây dựng lòng tin, hiểu biết lẫn nhau giữa những cơ quan thực thi pháp luật trên biển.

Trung Quốc hồi tháng 1 thông qua luật hải cảnh, cho phép lực lượng này sử dụng “mọi phương tiện cần thiết” để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn mối đe dọa từ tàu nước ngoài, đồng thời cho phép phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền. Đạo luật này còn trao cho hải cảnh Trung Quốc quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển “khi cần” để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.

Nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về đạo luật này, cho rằng nó có thể gây nguy cơ leo thang căng thẳng và xung đột trong khu vực.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…