ASEAN tạo điều kiện doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại các tiểu vùng
Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Diễn đàn Cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm cuối tháng 11 vừa qua, đã khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của các tiểu vùng trong ASEAN. Đồng thời, qua diễn đàn, cộng đồng ASEAN và Chính phủ các nước thành viên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực tiến hành đầu tư, kinh doanh tại các tiểu vùng của ASEAN.
Thúc đẩy sự phát triển của các tiểu vùng trong ASEAN
Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Diễn đàn này ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam – cho biết: Diễn đàn là sự tiếp nối các nỗ lực của Việt Nam từ năm Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm thúc đẩy sự phát triển của các tiểu vùng trong ASEAN và gắn với sự phát triển của các tiểu vùng này với tiến trình phát triển, xây dựng Cộng đồng của ASEAN. Cùng với quá trình liên kết khu vực được thúc đẩy nhanh và sâu rộng của ASEAN, việc gắn kết và bảo đảm các vùng, miền theo kịp với tiến trình phát triển chung của khu vực có ý nghĩa đặc biệt, cần đẩy mạnh đoàn kết, hợp tác và chung tay phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, đóng góp vào các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển đồng đều, bền vững trong cả khu vực ASEAN.
“Đây là một cách tiếp cận rất phù hợp và được các nước ủng hộ, để ASEAN không chỉ phát huy vai trò trung tâm của mình ở một khu vực rộng lớn mà trước hết ASEAN phải phát huy vai trò trung tâm trong vùng lãnh thổ của mình, trong đó có các tiểu vùng của ASEAN”- Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Với sự tham dự đông đảo của các Nhà Lãnh đạo các nước ASEAN, các quan chức chính phủ, các chuyên gia, các doanh nghiệp của ASEAN và của các đối tác khác, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng tin tưởng, sau Diễn đàn này, ASEAN sẽ chia sẻ nhận thức chung này và đề ra được các chủ trương, các chính sách chung của cả Cộng đồng ASEAN cũng như các chính sách của từng tiểu vùng và của các nước thành viên ASEAN để đóng góp vào sự phát triển chung của cả khu vực. Đồng thời, các cơ chế hiện có của tiểu vùng cũng như các tổ chức, cơ chế của ASEAN cần phải gắn bó hơn nữa để phối hợp với nhau, đề ra các kế hoạch hành động cũng như có các dự án nhằm thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư, doanh nghiệp của các nước trong khu vực cũng như tạo cơ chế để các nước ngoài khu vực có thế tham gia và đóng góp.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh
Để phát triển các tiểu vùng hay ở các khu vực khác, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, trước hết là cần phải có nhận thức chung; từ nhận thức chung đó sẽ đề ra các chính sách; từ chính sách mới hình thành các cơ chế, từ đó thu hút các nguồn lực, sự quan tâm và có các dự án, kế hoạch cụ thể.
Diễn đàn này được tổ chức để các nước thành viên ASEAN, các đối tác của ASEAN, các tổ chức khu vực và quốc tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực cùng trao đổi, xác định các cơ hội, thách thức, tiềm năng và phương hướng thúc đẩy hợp tác phát triển tại các tiểu vùng.
“Qua Diễn đàn, cộng đồng ASEAN và Chính phủ các nước thành viên ASEAN sẽ đi đến những chủ trương, chính sách và sẽ tạo ra các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực cũng như cùng trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiến hành đầu tư, kinh doanh tại các tiểu vùng của ASEAN”– Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm.
Trước đó tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 3 ưu tiên cần thúc đẩy trong hợp tác tiểu vùng. Trước hết, cần lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm, làm mục tiêu và động lực cho phát triển. Tiếp đó, cần tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế giúp nâng cao năng lực đảm bảo phát triển bền vững ở các tiểu vùng. Cuối cùng, tăng cường kết nối cả về hạ tầng, kinh tế và văn hóa để đẩy mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo thuận lợi cho cuộc sống người dân và phát triển kinh tế ở các tiểu vùng.
Theo Công Thương