Ấn Độ có thể là mắt xích yếu nhất trong ‘Bộ Tứ’ an ninh đối phó Trung Quốc
Tác động từ Trung Quốc khiến lập trường của Ấn Độ có thể bị lung lay, dẫn đến khả năng nước này rời khỏi liên minh Bộ Tứ.
Chuẩn đô đốc Nhật Bản Hiroshi Yamamura (trái), Chuẩn đô đốc Mỹ William Byrne (phải) và Phó đô đốc Hải quân Ấn Độ HCS Bisht chụp ảnh trong lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân chung tại thành phố Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hướng tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “mở và tự do”, giới quan sát rất kỳ vọng vào sự hồi sinh của Đối thoại Tứ giác An ninh, hay “Bộ Tứ”, nhằm đạt được mục tiêu này, theo Foreign Policy.
Bộ Tứ là cơ chế tham vấn không chính thức gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ được thành lập vào năm 2007, nhằm đối phó việc Trung Quốc tìm cách quân sự hóa và kiểm soát các tuyến đường biển chiến lược trong khu vực, cụ thể là Biển Đông.
Tuy nhiên, quá trình hình thành Bộ Tứ không thuận lợi. Nỗ lực đầu tiên của họ “chết yểu” khi thủ tướng Australia lúc đó là Kevin Rudd quyết định rút khỏi nhóm bởi ông cho rằng Bộ Tứ không cần phải đối trọng với Trung Quốc.
Sau một loạt lo ngại trước các hành vi của Trung Quốc, Australia cuối cùng quyết định tham gia Bộ Tứ cùng với Mỹ và Nhật Bản và Ấn Độ. Hai cuộc gặp gần đây nhất của nhóm là vào tháng 6 và tháng 11/2017, sau 10 năm “im hơi lặng tiếng”.
Nhưng số phận của Bộ Tứ vẫn còn mong manh, đặc biệt là với vai trò của Ấn Độ. New Delhi tỏ ra kém nhiệt tình hơn với Bộ Tứ sau hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Vũ Hán hồi tháng 4.
Quan hệ Trung – Ấn từng xuống mức thấp nhất vào năm 2017, chủ yếu do căng thẳng quân sự kéo dài hàng tháng tại cao nguyên Doklam. Đây có thể là nguyên nhân thúc đẩy Ấn Độ quyết định quay lại Bộ Tứ.
Cuộc gặp tại Vũ Hán được cho là bước đi ngoại giao khéo léo của ông Tập. Ngay sau hội nghị, New Delhi đã lần thứ tư liên tiếp từ chối đề nghị của Canberra được tham gia cuộc tập trận thường niên Malabar giữa Mỹ, Nhật và Ấn Độ.
Do quyết định đưa ra ngay sau hội nghị Vũ Hán, hành động này của New Delhi được xem là một sự nhượng bộ với Bắc Kinh, bởi việc để Australia lần đầu tiên tham dự Malabar sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Bộ Tứ đã thống nhất và đang hoạt động, còn việc từ chối họ sẽ mang ý nghĩa ngược lại.
Dấu hiệu thứ hai cho thấy sự lung lay của Ấn Độ trong Bộ Tứ xuất hiện hồi tháng 6 tại Đối thoại Shangri-La. Khi phát biểu về tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng là mục tiêu của Bộ Tứ, Thủ tướng Modi không đề cập tới liên minh này. Thay vào đó, ông lưu ý rằng “Ấn Độ không nhận thấy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một chiến lược hoặc là một nhóm với số thành viên hạn chế”.
Modi cũng tránh chỉ trích, thậm chí không đề cập tới hoạt động quân sự hóa và những hành động gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Động thái của Thủ tướng Ấn Độ hoàn toàn đối lập với bài phát biểu lên án Trung Quốc mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
“Hồi tháng 4, hai ngày họp thượng đỉnh không chính thức với Chủ tịch Tập giúp chúng tôi củng cố nhận thức rằng mối quan hệ vững mạnh và ổn định giữa hai nước là yếu tố quan trọng cho hòa bình và tiến bộ toàn cầu. Tôi tin chắc rằng châu Á và thế giới sẽ có tương lai tốt đẹp hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác trong sự tin tưởng và đồng cảm với lợi ích của nhau”, Modi cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 27/4 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Bài phát biểu thể hiện rõ mối liên hệ giữa hội nghị Vũ Hán và sự thờ ơ của Ấn Độ với Bộ Tứ. Một tuần sau Đối thoại Shangri-la, Modi tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Thanh Đảo, Trung Quốc, lần đầu tiên với tư cách thành viên chính thức và gặp ông Tập bên lề hội nghị.
Diễn biến quan trọng nhất tại đây là New Delhi đã ký vào Tuyên bố Thanh Đảo, trong đó nêu “toàn cầu hóa kinh tế đang đối mặt với sự mở rộng của các chính sách bảo hộ đơn phương”, ám chỉ mâu thuẫn về thương mại giữa chính quyền Trump và nhiều nước khác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.
Các bài báo gần đây cho rằng New Delhi muốn sử dụng thương mại song phương làm chỗ dựa để chống lại Washington khi cần. Nếu dự đoán này chính xác, Bắc Kinh có khả năng sẽ kiên quyết thuyết phục Ấn Độ rời khỏi Bộ Tứ để hưởng lợi trọn vẹn từ kế hoạch này.
Đầu tháng 7, đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc tuyên bố nước này ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, nhưng không tin vào việc “kết nhóm” để chống lại Bắc Kinh trong khu vực.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ coi ASEAN là trung tâm của khu vực, đồng nghĩa với việc bác bỏ vai trò của Bộ Tứ và bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào.
Những dấu hiệu trên thể hiện vai trò không ổn định của Ấn Độ trong Bộ Tứ, dù New Delhi và Bắc Kinh vẫn có những nghi ngại nghiêm trọng về nhau, đặc biệt là về sáng kiến Vành đai và Con đường.
Thủ tướng Modi (thứ hai bên phải) bắt tay người đồng cấp tại Nepal Khadga Prasad Sharma Oli (thứ hai bên trái) hôm 7/4 trong lễ tiếp đón ông tại dinh tổng thống Ấn Độ Rashtrapati Bhavan tại New Delhi. Ảnh: Reuters. |
Bởi vậy, bình luận viên Dereck Grossman dự đoán rằng Ấn Độ sớm hay muộn sẽ rời khỏi Bộ Tứ để tránh xung đột với Trung Quốc. Những tranh chấp thương mại toàn cầu ngày càng căng thẳng trong chính sách mới của chính quyền Donald Trump khiến New Delhi không có nhiều lựa chọn ngoài việc níu kéo quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, dù phải chịu mức thâm hụt thương mại hơn 51 tỷ USD với nước này.
Hơn nữa, Thủ tướng Modi có nguy cơ đối mặt với chiến dịch tái tranh cử đầy vất vả, nên việc giữ ổn định tình hình tại Doklam tới hết năm 2019 là điều bắt buộc nếu muốn thắng cử.
Nhưng ngay cả khi rời khỏi Bộ Tứ, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ không thay đổi hợp tác song phương và đa phương vốn đang rất tốt đẹp với các thành viên trong nhóm. Bất chấp quyết định về cuộc tập trận Malabar, quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia đang tốt đẹp hơn bao giờ hết. Hơn nữa, cơ chế an ninh ba bên gồm Ấn Độ, Australia và Mỹ dường như đang hoạt động tốt và đã có cuộc gặp vào tháng 12/2017.
Nhìn chung, Ấn Độ nổi tiếng với chính sách ngoại giao không liên kết, vốn không phù hợp với Bộ Tứ, nên quốc gia này có thể là mắt xích yếu nhất trong liên minh nhằm đối trọng với Trung Quốc và ngăn chặn quân sự hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Grossman nhận định.
Ánh Ngọc
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]