Mỹ có thể dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu năm 2021

Lần đầu tiên kể từ năm 2005, Mỹ có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng toàn cầu so với Trung Quốc.

Mỹ có thể giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ trong năm nay, vì nước này đóng vai trò trung tâm hơn trong sự hồi phục, so với sau cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Điều này phản ánh bản chất bất thường của cú sốc Covid-19 và sự linh hoạt của nền kinh tế Mỹ.

Theo Oxford Economics, nền kinh tế thế giới có thể sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay, tốc độ nhanh nhất trong gần nửa thế kỷ qua, khi các chiến dịch tiêm chủng cho phép các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ và doanh nghiệp thu hồi vốn.

Cũng theo đơn vị này, lần đầu tiên kể từ năm 2005, Mỹ dự kiến đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng toàn cầu so với Trung Quốc trong năm nay. Trước đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi kinh tế toàn cầu lại được hỗ trợ bởi Trung Quốc, khi Mỹ trải qua giai đoạn hồi sinh yếu nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

Vì nền kinh tế Mỹ lớn hơn Trung Quốc khoảng một phần ba, đóng góp của nó vào tăng trưởng toàn cầu sẽ lớn hơn của Trung Quốc nếu cả hai đều tăng trưởng xấp xỉ với tốc độ như nhau trong năm nay.

“Mỹ sẽ lại đóng vai trò đầu tàu toàn cầu vào năm 2021”, Catherine Mann, Nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Citibank, đánh giá. Bà cũng cho rằng, tình hình quốc tế cũng sẽ kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của nước này.

Đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu qua các năm của các nền kinh tế: Trung Quốc (đỏ), Mỹ (xanh), Eurozone (vàng) và phần còn lại của thế giới (xám). Đồ họa: WSJ.

Theo Goldman Sachs, nền kinh tế Mỹ đã suy giảm 3,5% trong năm 2020 và dự kiến tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2021. Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng trưởng 2,3% trong năm ngoái và dự kiến sẽ tăng 8% trong năm nay.

Các nhà kinh tế của JP Morgan thì dự đoán Mỹ sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng trước đại dịch vào giữa năm nay, trong khi Trung Quốc đã trở lại quỹ đạo trước đại dịch nhưng sẽ không vượt quá tốc độ tăng trưởng trước kia. Châu Âu và một số thị trường mới nổi thì vẫn sẽ tụt hậu trong năm tới.

Joerg Kraemer, Nhà kinh tế trưởng tại Commerzbank, cho rằng dân số và tăng trưởng năng suất yếu có thể ảnh hưởng đến sản lượng của Trung Quốc trong những năm tới. Các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã báo hiệu rằng họ có kế hoạch rút dần các biện pháp kích thích trong năm nay, tập trung vào việc kiềm chế nợ và tránh bong bóng bất động sản.

Trong khi, khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ nhờ vào việc quốc gia này nhanh chóng triển khai vaccine Covid-19, gói chi tiêu dự kiến 1.900 tỷ USD, lãi suất rất thấp từ Cục Dự trữ Liên bang và các khoản tiết kiệm bị dồn nén. Theo Oxford Economics, các hộ gia đình Mỹ đang tiết kiệm 1.800 tỷ USD dư thừa.

Suy thoái ở Mỹ và nhiều nền kinh tế hiện cũng không có đặc trưng bởi sự bùng nổ của bong bóng tài sản hoặc nợ tích lũy, không giống như các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Các nhà kinh tế nói rằng điều đó sẽ đẩy nhanh sự phục hồi.

Tín dụng cho các doanh nghiệp đã tăng với tốc độ hàng năm là 80% vào lúc cao điểm của đại dịch năm ngoái ở Mỹ, Eurozone, Nhật Bản và Anh. Con số này khá cách biệt so với mức sụt giảm 13% của tín dụng ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Nhưng sự phục hồi mạnh mẽ của Mỹ có thể tạo thách thức đối với các khu vực đang tụt hậu như châu Âu và một số thị trường mới nổi. Niềm tin cải thiện của các nhà đầu tư đang đẩy chi phí đi vay của Mỹ và toàn cầu tăng cao, cũng như đồng USD mạnh lên. Đây là một vấn đề đau đầu đối với các chính phủ đã vay nặng lãi bằng USD.

Các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc lợi suất trái phiếu tăng. Họ sẽ tập hợp vào thứ tư và thứ năm tuần này để cân nhắc xem liệu có nên tăng các biện pháp khẩn cấp hay không, bao gồm chương trình mua trái phiếu trị giá 1.850 tỷ euro, tương đương 2.200 tỷ USD.

Trên khắp châu Âu, việc triển khai vaccine Covid-19 diễn ra chậm chạp và các chính phủ không tính đến những chi tiêu mới có quy mô như Mỹ, một phần vì lo ngại gia tăng nợ nần. Doanh số bán lẻ trong khu vực đồng euro cũng bất ngờ sụt giảm hơn 6% trong tháng 1 do một số quốc gia đã gia hạn các biện pháp phong tỏa. Trong khi, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Ở Đức, hơn 7% nhân viên sản xuất đã làm việc trong tháng 2, với sản lượng gần như đã trở lại mức trước đó. Điều này cho thấy một số công nhân được đào tạo có thể bị dư thừa trong tương lai.

Tập đoàn Kion, một nhà sản xuất xe nâng và thiết bị nhà kho có trụ sở tại Frankfurt, đã có lượng đơn đặt hàng lớn nhất từ trước đến nay bất chấp đại dịch, thúc đẩy bởi nhu cầu mua sắm qua Internet mạnh mẽ ở Bắc Mỹ và châu Âu.

“Trung Quốc không chỉ hồi phục như cũ mà còn ở mức kỷ lục về sản lượng công nghiệp. Bắc Mỹ, nhờ tiền được vào hệ thống mà không bị tụt lại. Trong khi, châu Âu thì đang bị tụt hậu”, Giám đốc điều hành Kion Gordon Riske, nói.

Ông Riske cho biết, nếu gói kích thích 1.900 tỷ USD được lưỡng viện Mỹ thông qua, Kion có khả năng phải đối mặt với các vấn đề về năng lực đáp ứng khi tốc độ tăng trưởng của Mỹ nhanh hơn nữa. Các nhà đầu tư toàn cầu đã bắt đầu lo lắng về gia tăng lạm phát, điều này có thể là kết quả của sự tăng trưởng mạnh mẽ và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…