Sáng ngời tinh thần người chiến sĩ áo trắng

Họ là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng, chiến đấu với kẻ thù vô hình nhưng đầy hiểm nguy. Họ gác lại niềm vui sum vầy bên gia đình, tạm gác lại cả niềm hạnh phúc riêng tư, những cán bộ y tế không ngại nguy hiểm, chấp nhận rủi ro về mình, từng đêm xông pha nơi tuyến đầu chống chọi với dịch bệnh, xâm nhập vào ổ dịch để bảo vệ an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Những hành động đẹp đẽ, đầy tính nhân văn ấy trong ngày truyền thống thiêng liêng và cao quý của ngành y tế (27/2), lại một lần nữa được toàn xã hội hướng về với tất cả lòng biết ơn và sự tôn vinh cao quý.

Sáng ngời tinh thần người chiến sĩ áo trắng

Cả thế giới đang phải gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19 đã lan rộng tới hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và vẫn tiếp tục còn diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam là một trong số nước phát hiện dịch bệnh sớm, sau Trung Quốc. Như bao cuộc chiến trong lịch sử đấu tranh vệ quốc oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta, toàn dân cùng một ý chí, đoàn kết một lòng “chống dịch như chống giặc”. Điều đặc biệt khác so với các cuộc chiến trong lịch sử, đó là trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu này, ngành y tế với đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên y tế nắm giữ vai trò nòng cốt, là lực lượng xung kích đi đầu và đối mặt với hiểm nguy, vô cùng gian khó, ngày đêm bảo vệ sức khoẻ cho đồng bào.

Trong hơn một năm qua, đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế đã mang hết trí tuệ, quyết tâm, sức lực để “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ thành công sự an toàn và sức khỏe của nhân dân. Việt Nam được đánh giá là quốc gia thành công trong kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020. Để từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, y tế Việt Nam đã và đang phát triển hùng mạnh, tiến từng bước vững chắc, theo kịp nền y học hiện đại của thế giới với rất nhiều kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng, triển khai. Đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế Việt Nam thực sự là những người “chiến sĩ áo trắng” trong lòng nhân dân.

Nguy hiểm là vậy, gian khó là vậy nhưng những “chiến sĩ áo trắng” của dân tộc Việt Nam anh hùng, những chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến chống đại dịch vẫn luôn nêu cao ý chí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và đồng bào cả nước. Nhớ lại trong đợt cao điểm chống dịch năm 2020, trong số các bệnh nhân nhiễm bệnh có cả những bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài. Nhưng với tinh thần, trách nhiệm quốc tế cao cả, Việt Nam đã không phân biệt, đặt nhiệm vụ chữa bệnh cứu người lên trên hết để cứu sống bệnh nhân.

Hay, trong đợt dịch thứ ba bùng phát tại Hải Dương từ ngày 27/1 rồi lây lan ra 12 tỉnh, thành phố, những chiến sĩ áo trắng lại một lần nữa tạm xa gia đình và người thân trong một thời gian. Ổ dịch đang xảy ra tại Hải Dương khác so với các ổ dịch trong năm 2020. Những chiến sĩ áo trắng đối mặt với kẻ thù nguy hiểm hơn, đó là biến chủng của virus SARS-CoV-2 với đặc điểm nổi bật là khả năng lây lan rất nhanh và mạnh. Thực tế tại Hải Dương, Quảng Ninh có rất nhiều người mang virus nhưng không có triệu chứng ban đầu, do đó để phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng đòi hỏi phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh với số lượng lớn. Các chuyên gia đã xây dựng phương án mới phù hợp hơn, theo phương châm: tốc độ, tốc độ và tốc độ, tốc độ phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, chạy đua với thời gian để đẩy lùi dịch bệnh.

Cũng ngay trong những ngày đầu xuân, cả nước vẫn đang đồng lòng hướng về những cơ sở khám chữa bệnh đang được giao nhiệm vụ chống dịch trên cả nước, mong mỏi trông chờ từng tin có được từ bệnh viện. Mỗi một thông tin bệnh nhân mắc phải Covid-19 được khỏi bệnh, xuất viện là niềm vui của người dân cả nước lại vỡ òa. Có thể nói, đây là món quà tinh thần vô giá mà ngành y tế, các chiến sỹ áo trắng dành cho Tổ quốc và nhân dân mình.

Trong những ngày này, mặc dù những quy định cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc cộng đồng của Chính phủ tạo ra những trở ngại nhỏ trong sinh hoạt của mọi người nhưng người dân cả nước vẫn nghiêm túc thực hiện, cộng đồng cũng có nhiều hành động để giảm bớt những khó khăn, chia sẻ sự vất vả, hy sinh của các y, bác sĩ, cán bộ nhân viên ngành y trên tuyến đầu.

Trong thời gian dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn dân đã chấp hành, ủng hộ công tác phòng chống dịch, bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Những thành tựu xuất sắc trong công tác phòng chốn dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và dư luận quốc tế đã ghi nhận và đánh giá cao. Có được kết quả như vậy, phải kể đến sự nỗ lực của ngành y, tinh thần quyết chiến quyết thắng của đội ngũ y, bác sĩ – những “chiến sĩ áo trắng ”. Lịch sử đất nước sẽ ghi nhận tinh thần dũng cảm, sự hy sinh cao cả của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vô cùng gian khó và hiểm nguy này.

Thêm một năm không có những buổi lễ tôn vinh các thầy thuốc nhưng toàn Đảng, toàn dân vẫn luôn hướng về những người chiến sĩ áo trắng với niềm tin tưởng lớn lao và sự tri ân sâu sắc. Với sự tiên phong của những người chiến sĩ áo trắng, chúng ta tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trên chặng đường còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước trong cuộc chiến đầy cam go với dịch Covid-19, đưa cuộc sống của nhân dân trở lại với sự bình yên vốn có.

Theo Công Thương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…