Thương mại toàn cầu bùng nổ trở lại sau đại dịch
Một số nước châu Á đã gia tăng thị phần xuất khẩu và có xu hướng tiếp tục duy trì vị trí mới đạt được ngay cả sau dịch.
Thương mại toàn cầu đã phục hồi sau khi sụp đổ trong giai đoạn đầu của đại dịch, với việc Trung Quốc và các nước sản xuất châu Á khác giành được thị phần lớn hơn trong xuất khẩu của mọi thứ, từ khẩu trang đến xe đạp. Dự kiến, thị phần mới này cũng sẽ duy trì sau khi dịch bệnh kết thúc.
Tháng 4 năm ngoái, khi phần lớn nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng đóng băng sâu sắc, các nhà kinh tế tại WTO cho rằng, dòng chảy thương mại toàn cầu có thể chịu mức suy giảm lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, lên đến mức 1/3.
Nhưng thực tế, dòng chảy thương mại toàn cầu chỉ giảm 5,3% trong năm ngoái, theo dữ liệu mới công bố của Văn phòng Phân tích Chính sách Kinh tế CPB Hà Lan, sau khi đã trở lại mức trước đại dịch vào tháng 11/2020. Thời gian để phục hồi lại mức cũ thậm chí chỉ tốn ít hơn một nửa thời gian so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đó.
Nhu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân, bao gồm khẩu trang, tăng vọt. Làm việc và học tập tại nhà đã thúc đẩy nhu cầu về máy tính. Nỗ lực tránh sử dụng giao thông công cộng ở các thành phố đã thúc đẩy nhu cầu về xe đạp. Nhiều gia đình nâng cấp nhà bếp và mua sắm đồ dùng mới. Trong đó, một phần nhu cầu đó nhờ các gói kích thích của chính phủ các nước giàu.
Alice L, một nhà tư vấn phát triển quốc tế làm việc tại Silver Spring, Maryland đã mua một số đồ dùng làm việc mới tại nhà trong thời gian xảy ra đại dịch, bao gồm máy tính xách tay, tai nghe, đèn, máy in và phần mềm máy tính.
Sau khi gói cứu trợ Covid-19 được thông qua vào tháng 3 năm ngoái, hầu hết hộ gia đình Mỹ được phát 1.200 USD. Bà Alice đã dùng nó để mua một chiếc điện thoại mới. Khoản tiền cũng “khiến tôi cảm thấy rằng việc mua một chiếc máy tính xách tay cao cấp mới là hoàn toàn có thể”, người phụ nữ 75 tuổi nói.
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (Unctad), doanh số bán thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) qua biên giới, chẳng hạn như khẩu trang, đã tăng 40% trong quý III/2020 và tăng thêm 16% trong ba tháng cuối năm. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Đông Á, nơi các nhà máy đã mở cửa trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trung Quốc là nguồn cung cấp chính về PPE và thiết bị văn phòng. Nước này chứng kiến doanh số bán hàng xuyên biên giới tăng 16% trong quý III và tăng 14% trong quý IV. Theo Unctad, năm 2020, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu tăng 10%, nhưng thậm chí con số này vẫn thua Đài Loan và Việt Nam.
Một số nhà sản xuất có kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, trong đó có Tập đoàn Giant của Đài Loan, một trong những nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, họ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu xe đạp ngày càng tăng, ngay cả sau khi mở lại các nhà máy ở Trung Quốc.
“Chúng tôi không gặp bất kỳ vấn đề gì khi xuất xe đạp ra nước ngoài ở giai đoạn đầu của đại dịch. Tuy nhiên, khi nhu cầu về xe đạp tăng cao, dẫn đến sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng, Giant không thể đáp ứng kịp nhu cầu đặt hàng từ tất cả đại lý”, bà Bonnie Tu, Chủ tịch Giant, cho biết.
Việc đưa hàng hóa sản xuất tại Đông Á và các nơi khác đến tay người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu là điều khó khăn, bởi các hãng hàng không cắt giảm các chuyến bay chở khách và không gian chở hàng liên quan, trong khi các tàu container bị gián đoạn lịch trình do thủy thủ đoàn và cảng bị chậm trễ.
Nhưng ngay cả khi các nhà máy hoạt động hết công suất và các cảng thích ứng với sự gián đoạn, các nhà bán lẻ vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng. Tại Anh, nhu cầu về xe đạp đã tăng lên sau đợt đóng cửa hồi tháng 3 và một số người tiêu dùng không thể tìm được chiếc xe đạp mà họ muốn.
“Khá nhiều phần của chuỗi cung ứng xe đạp đều bị tác động bởi Covid-19, từ sản xuất và lắp ráp linh kiện cho đến sự sẵn sàng của container và tắc nghẽn cảng”, Mark Eaton, Giám đốc chuỗi cung ứng tại Halfords, nhà bán lẻ xe đạp lớn nhất nước, cho biết.
Ông Eaton nói một số tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng hiện đã được nới lỏng. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu và mạng lưới thương mại, và chúng có thể kìm hãm tăng trưởng vào năm nay.
Các nhà sản xuất cũng cho biết có sự chậm trễ kéo dài trong việc đảm bảo nguồn cung ứng để sản xuất, theo khảo sát của các nhà quản lý mua hàng do IHS Markit thực hiện. Và trong khi tình trạng thiếu container ở Đông Á đang giảm bớt, mạng lưới hậu cần toàn cầu vẫn chưa được khắc phục hoàn chỉnh.
“Chúng ta không trở lại trạng thái bình thường. Giá cước cao ngất ngưởng. Lịch trình không ở trong tình trạng tốt nhất. Nhưng tôi sẽ coi đó là thách thức nhỏ”, Allard Castelein, CEO Cảng Rotterdam (Hà Lan) – cảng lớn nhất châu Âu, nói.
Sự phục hồi xuất khẩu của châu Âu và Mỹ bắt đầu muộn hơn vài tháng so với Trung Quốc, và các nhà kinh tế thương mại dự kiến tiếp tục cải thiện trong năm nay. Nhưng dù thế, khó có khả năng mức tăng thị phần xuất khẩu của Trung Quốc và một số nền kinh tế Đông Á khác bị đảo ngược.
“Những điều này có xu hướng gắn chặt với nhau”, Alessandro Nicita, một nhà kinh tế thương mại tại Unctad cho biết, “Bạn cần một cú sốc nữa. Rất phức tạp để những người chơi khác giành được động lực”.
Theo VNEXPRESS