Việt Nam có thể đưa vào sản xuất vaccine COVID-19 từ cuối năm 2021
Hội đồng y đức (Bộ Y tế) đã nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen, với tính an toàn của vaccine được đảm bảo, sinh được kháng thể và khả năng phòng bệnh.
Theo Bộ Y tế, Hội đồng Y đức đã nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen, với tính an toàn của vaccine được đảm bảo, sinh được kháng thể và khả năng phòng bệnh. Hội đồng Y đức đã cho phép bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 ngay trong tuần tới với 560 người tình nguyện tham gia.
Việc thử nghiệm sẽ được tiến hành tại Hà Nội do Học viện Quân y thực hiện và tại Long An do Viện Paster Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Với các biện pháp cải tiến quy trình, giai đoạn 2 sẽ cố gắng hoàn thành thử nghiệm trong 3 tháng, thay vì 6 tháng như kế hoạch ban đầu. Đến tháng 5, nếu kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 tốt thì sẽ tiếp tục thử nghiệm giai đoạn 3. Nếu suôn sẻ sẽ rút ngắn được tổng thời gian thử nghiệm và sẵn sàng đưa vào sản xuất vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: “Hội đồng Y đức đã nghiệm thu và đã có kết quả về tính sinh miễn dịch ở cả 3 liều tiêm 25mcg, 50mcg và 75mcg. Các liều tiêm đều an toàn, không có biến cố, bất lợi ngoài dự kiến. Sự khác biệt giữa 3 liều tiêm chưa có số liệu chính thức vì thời gian thử vừa qua ngắn và số lượng mẫu nhỏ”.
Bên cạnh đó, 2 loại vaccine COVID-19 “made in Vietnam” là Covivax của Công ty IVAC sẽ bắt đầu tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 trên người và vaccine của Công VABIOTECH ngày 1/3 tới cũng sẽ khởi động chương trình thử nghiệm trên người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Hiện nay, các nhà sản xuất vaccine trên thế giới đều công bố hiệu quả và thời gian bảo vệ từ 6 tháng đến 1 năm, bởi chưa đủ thời gian theo dõi với vaccine COVID-19. Có thể thời gian bảo vệ sẽ cao hơn hoặc ngăn hơn. Đánh giá chung về mặt khoa học, chúng tôi đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine sẽ chỉ ở trong thời gian ngắn. Do vậy, phải chủ động sản xuất trong nước cho năm 2021, 2022 và các năm tiếp theo nếu đại dịch vẫn tiếp diễn. Ví dụ, vaccine cúm hàng năm cũng phải thay đổi vì mỗi năm lại có một chủng virus cúm khác nhau…”./.
Theo Báo Công Thương