Hơn 110 triệu ca nCoV toàn cầu, tình hình ở Mỹ cải thiện đáng kể
Toàn cầu ghi nhận hơn 110 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 2,4 triệu người chết, các số liệu thống kê tại Mỹ có xu hướng ngày càng tích cực.
Thế giới đã ghi nhận 110.001.649 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.427.681 người đã chết, tăng lần lượt 345.837 và 9.913 ca. 84.799.762 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 60.362 ca nhiễm và 1.522 ca tử vong, đưa tổng số lên lần lượt là 28.372.439 và 499.668.
Thống kê về Covid-19 trên toàn nước Mỹ đang phản ánh những xu hướng ngày càng tích cực. Số ca nhiễm nCoV mới hôm 15/2 là hơn 53.800, mức hàng ngày thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 10/2020 và khác biệt rõ rệt so với tháng trước, thời điểm Mỹ ghi nhận trung bình 200.000 ca mới mỗi ngày.
California, một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng báo cáo số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2020. Bên cạnh đó, số ca nhập viện và tử vong trên toàn quốc cũng có xu hướng giảm đều đặn.
Đây được cho là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm việc tăng cường biện pháp phòng dịch, hàng chục triệu người từng nhiễm đã có mức độ miễn dịch tự nhiên nhất định và công tác tiêm chủng vaccine Covid-19. Mỹ đã tiêm gần 53 triệu liều vaccine, trung bình khoảng 1,6 triệu liều được tiêm mỗi ngày và con số đang tăng đều đặn.
Bất chấp những tín hiệu tích cực, Mỹ vẫn ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Giới chuyên gia cũng lo ngại nếu nước này buông lỏng cảnh giác, đặc biệt trong bối cảnh các biến chủng nCoV mới đang hoành hành, một đợt bùng phát khác có thể xảy ra.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 6.181 ca nhiễm và 43 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 10.931.492 và 155.883.
Chính phủ Ấn Độ, nước sở hữu năng lực sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hôm qua cho biết họ sẽ tăng gấp 5 lần số điểm tiêm chủng vaccine Covid-19, sau khi tiêm gần 9 triệu liều trong một tháng. Do giới chức đặt mục tiêu tiêm phòng cho 300 triệu người trong số 1,35 tỷ dân vào tháng 8, hoạt động này sẽ phải tăng cường đáng kể.
60% trong số gần 10 triệu nhân viên y tế Ấn Độ đã được tiêm kể từ khi chiến dịch tiêm chủng khởi động vào ngày 16/1. Ấn Độ dự kiến tiêm cho toàn cộng đồng từ tháng sau, bắt đầu với nhóm trên 50 tuổi hoặc có bệnh lý nền. Nước này cũng đã xuất khẩu vaccine sang 24 quốc gia như một phần của nỗ lực ngoại giao.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.045 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 240.940. Số ca nhiễm nCoV tăng 55.271 trong 24 giờ qua, lên 9.921.981.
Niềm hy vọng vào vaccine Covid-19 của nước này đang nhường chỗ cho nỗi thất vọng, khi chiến dịch tiêm chủng của chính phủ hỗn loạn không khác gì cách phản ứng với đại dịch trong năm qua. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 5,3 triệu người, tương đương 2,5% trong 212 triệu dân.
Tình trạng thiếu vaccine đã buộc một số khu vực chủ chốt phải tạm ngừng tiêm chủng, bao gồm thành phố Rio de Janeiro. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc “dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng”, bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.
Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, ghi nhận thêm 10.625 ca nhiễm và 799 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.058.468 và 118.195.
Thống kê cho thấy 15,6 triệu người đã tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên và 546.165 người đã tiêm đầy đủ hai liều, hơn hai tháng sau khi khởi động chương trình tiêm chủng. Giới chức Anh tuyên bố sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người trên 50 tuổi vào tháng 5 và tất cả người trưởng thành vào tháng 9.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 19.590 ca nhiễm và 410 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.489.129 và 82.812. Mức tử vong trung bình trong 7 ngày đã giảm xuống 381, lần đầu tiên thấp hơn 400 kể từ cuối tháng 1. Số ca nhập viện cũng có xu hướng giảm trở lại.
Bộ Y tế Pháp cho biết tổng cộng 3,16 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm, bao gồm hơn 815.000 mũi tiêm thứ hai. Bộ cũng đã yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện “kích hoạt chế độ khủng hoảng” từ ngày 18/2, để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.233.959 ca nhiễm, tăng 10.029, trong đó 33.596 người chết, tăng 229. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.
Indonesia triển khai chương trình xét nghiệm nCoV qua hơi thở tại các ga tàu trong bối cảnh tình hình dịch ở nước này ngày càng phức tạp. Người làm xét nghiệm sẽ được yêu cầu thổi vào túi và nhận kết quả ngay sau hai phút.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 552.246 ca nhiễm và 11.524 ca tử vong, tăng lần lượt 1.391 và 7 ca.
Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp. Lo ngại gia tăng khi những lô vaccine Covid-19 đầu tiên dự kiến đến nửa cuối năm nay mới tới nước này.
Do sự xuất hiện của biến chủng nCoV dễ lây lan hơn từ Anh tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte cuối tháng 1 quyết định tái áp đặt lệnh cấm trẻ em 10-14 tuổi rời nhà, bất chấp lo ngại việc này sẽ khiến nền kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Theo VNEXPRESS