Những trở lực kìm chân Đồng bằng sông Cửu Long

Biến đổi khí hậu, hạ tầng kém, nhân lực hạn chế là những trở lực lớn kìm chân sự phát triển của vùng miền Tây trù phú những năm qua.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hay thường quen gọi là miền Tây, trước giờ được mặc định là vùng trù phú trong tâm thức bao đời và nông nghiệp trở thành kế sinh nhai, trọng trách chính. Có một nét phát họa tầm cỡ về “chân dung” của vùng này, đó là với 1,5 triệu ha đất trồng lúa, ĐBSCL đóng vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới.

Tuy nhiên, thực trạng phát triển kinh tế của miền Tây hiện đặt ra nhiều lo ngại khi đóng góp vào GDP trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Vào năm 1990, GDP của TP HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì đến nay. Điều này còn ngụ ý rằng, dù có lợi thế nằm sát TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, song dường như miền Tây không được hưởng lợi đáng kể từ sự kết nối này, mà còn ngày một tụt hậu.

Sự chênh lệch về mức sống và thiếu cơ hội kinh tế là hai nguyên nhân quan trọng thúc đẩy 1,3 triệu dân miền Tây di cư trong thập niên 2009-2019. Nơi đây cũng đứng đầu cả nước về hai cái nhất, là tỷ lệ nhập cư thấp nhất và tỷ lệ di cư cao nhất.

Trong tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đánh giá, với tiềm năng và lợi thế lớn, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

“Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các tỉnh khu vực này phải đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn đến tụt hậu về nhiều mặt so với khu vực phía Nam và bình quân chung cả nước”, ông viết.

Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long do VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) công bố cuối năm ngoái cũng kết luận rằng, sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, “mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình”.

Những ‘nút thắt’ của miền Tây

Theo ông Phan Văn Mãi, hiện tồn tại hàng loạt “nút thắt” cản trở sự đi lên của vùng như: thiếu một tầm nhìn chiến lược chung; tài nguyên đất, nước và môi trường sử dụng chưa hiệu quả; số lượng và chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu; sự thay đổi về mặt nhân khẩu học, di dân lớn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư rất hạn chế và chậm đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ…cũng là những lý do kìm chân vùng này phát triển.

Còn theo báo cáo của VCCI, trong thập niên qua, ĐBSCL đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng… đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng…

Trong khi đó, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ ra 6 “nút thăt” căn bản của miền Tây. Đó là: Tài nguyên (đất, nước và môi trường); Nhân lực (nhân khẩu học, số và chất lượng lao động); Nguồn lực đầu tư hạn chế; Cơ sở hạ tầng thua xa mức độ và tiềm năng phát triển của vùng; Đổi mới khoa học –công nghệ; Tụt hậu về kinh tế.

Cách liệt kê có khác nhau, nhưng dù ở góc độ của người làm quản lý, nghiên cứu hay hội doanh nghiệp thì tựu trung lại, miền Tây đang có 4 trở lực chính khiến nơi này mãi chưa thể “cất cánh”.

Trở lực đầu tiên nằm ở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, tháo gỡ được đầu tư và cơ sở hạ tầng là giải pháp quan trọng nhất để gỡ khó cho miền Tây.

Tính đến năm 2020, Vùng chỉ có 45 km đường cao tốc, chiếm khoảng 3% chiều dài đường cao tốc cả nước. Tết Tân Sửu này, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chỉ mới mở tạm để xe lưu thông. Tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ vẫn chưa khởi công. Tuyến Cần Thơ – Cà Mau chỉ trong giai đoạn nghiên cứu khả thi.

Trong khi đó, trục ngang từ Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc tiếp tục đưa vào quy hoạch trong các giai đoạn tiếp theo nhưng khả năng bố trí vốn chưa rõ ràng và thời điểm triển khai chưa được xác định.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, thay bằng việc mỗi tỉnh đơn phương vận động để xin trung ương sân bay hay cảng nước sâu riêng thì cả 13 địa phương cần đồng lòng kiến nghị trung ương xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thông suốt, đồng bộ, chất lượng để kết nối với nhau và với Đông Nam Bộ. Trong đó, phát triển trục đường cao tốc nối liền TP HCM đến tận Cà Mau cần phải trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của toàn vùng thời gian tới.

Thứ hai là nguồn nhân lực. Thập niên qua, năng suất lao động khu vực nông
– lâm – ngư nghiệp và thương mại – dịch vụ tăng nhanh, với mức trung bình lần lượt là 5,2% và 8,3%. Nhưng tốc độ tăng trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng chỉ 3,5% mỗi năm, thấp hơn hẳn so với khu vực nông – lâm – ngư nghiệp vốn là khu vực không có nhiều dư địa để tăng năng suất.

Là vùng trũng trong cả nước về giáo dục và đào tạo, theo VCCI và Fulbright, mô hình phát triển mới của vùng phải tìm cách tháo gỡ nút thắt quan trọng này bằng cách thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn và việc theo đuổi lợi ích trước mắt khiến các gia đình cho con cái bỏ học sớm.

Thứ ba là biến đổi khí hậu và xói mòn tài nguyên. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động về vấn đề nguồn nước xuyên biên giới sẽ tiếp tục là những thử thách đối với sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của nền nông nghiệp Vùng.

Bên cạnh đó, tập quán canh tác chủ yếu dựa vào lợi thế sẵn có và tư duy nâng cao năng suất thông qua khai thác triệt để nguồn lợi tự nhiên dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Phong trào thâm canh lúa ba vụ kéo dài khiến cho chất lượng đất nông nghiệp suy giảm, vùng đất nằm trong đê bao do không nhận được phù sa trở nên bạc màu.

Thứ tư là cơ chế – chính sách. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định trong báo cáo rằng, việc triển khai nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chính sách của Chính phủ vẫn chưa theo kịp được với đòi hỏi thực tế của sự phát triển của vùng. Điều này cộng với tác động của biến đổi khí hậu, “đã đưa vùng kinh tế ĐBSCL vào một giai đoạn khó khăn, thách thức nhất trong lịch sử tồn tại của vùng và đó cũng là một thách thức chung của quốc gia”.

4 kiến nghị cho miền Tây

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1163 về “Phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong tham luận của mình, ông Phan Văn Mãi đưa ra 4 kiến nghị để xây dựng phát triển bền vững vùng này theo tầm nhìn đã đề ra.

Thứ nhất, sớm xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, đưa vào triển khai thực hiện. Trong đó, quan tâm phát triển hành lang kinh tế ven biển, mở ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng như: thuỷ lợi – cấp nước, giao thông – logistics, năng lượng, hạ tầng số,… Đặc biệt, cần có cơ chế đầu tư phát triển tuyến động lực ven biển nối TP HCM và các tỉnh ven biển của vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thứ ba, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ xanh trong lĩnh vực khai thác biển; quan tâm định hướng, giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư, nhất là đối với các dự án thuộc lĩnh vực thủy sản, công nghiệp, đô thị ven biển, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo… Đặc biệt đối với du lịch, tập trung phát triển một số trung tâm du lịch biển điển hình trong vùng, khắc phục triệt để tình trạng “giẫm chân nhau” về sản phẩm du lịch.

Thứ tư, tăng cường đầu tư cho giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển bền vững và các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp của Vùng; thành lập các khu kinh tế – quốc phòng vùng ven biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, bảo vệ biển – đảo trong tình hình mới.

VCCI đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước ngưỡng tới hạn của mô hình phát triển cũ. Nếu mô hình này – bao gồm cả chính sách của nhà nước và tập quán của người dân và doanh nghiệp, không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi và sự tan rã của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ là vấn đề thời gian.

“Ngược lại, nếu đủ dũng khí và trí tuệ để chuyển sang mô hình phát triển mới, những thách thức hiện nay sẽ trở thành cơ hội to lớn để Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, báo cáo viết.

Theo Vnexpress

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…