Khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ nới rộng qua năm Covid-19

Mỹ càng tung ra những chính sách giải cứu khổng lồ thì người giàu càng thịnh vượng, trong khi người nghèo chưa bớt khó khăn.

Covid-19 khiến kinh tế Mỹ khó khăn, lượng người thất nghiệp và vô gia cư tăng lên. Nhưng ít nhất có một nhóm không mấy lo lắng về việc này, đó là top 20% người có thu nhập cao nhất nước.

Thậm chí, các biện pháp khẩn cấp như Fed hạ lãi suất về quanh 0% càng giúp họ càng giàu thêm. Họ thay khoản vay thế chấp cũ bằng khoản mới để tận dụng lãi suất thấp kỷ lục, mua ngôi nhà thứ hai và theo dõi giá trị số cổ phiếu và trái phiếu trong tài khoản đầu tư tăng lên.

Trong khi giá trị tài sản ròng của hộ gia đình tăng lên mức kỷ lục mới, hàng trăm nghìn doanh nghiệp được dự báo đóng cửa vĩnh viễn, hơn 10 triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp, và gần gấp ba lần số đó thiếu lương thực vào ban đêm.

Ngay cả khi chính quyền mới có kế hoạch huy động hàng nghìn tỷ USD cứu trợ bổ sung, các nhà kinh tế vẫn cảnh báo về những hậu quả chính trị và xã hội nghiêm trọng từ sự gia tăng đáng kể khoảng cách giàu nghèo.

Người giàu tiến lên phía trước

Một người vô gia cư ngủ trên đường phố tại Mỹ.

Bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ đã tiến gần mức cao nhất trong ít nhất nửa thế kỷ. Cách đối phó của đất nước này đối với sự tàn phá của đại dịch đã đặt ra câu hỏi rằng những biện pháp khẩn cấp được thiết kế để giúp đỡ ai, và ai bị bỏ lại?

“Có lẽ không có thời điểm nào tốt hơn lúc này để trở nên giàu có ở Mỹ”, Peter Atwater, Chuyên gia kinh tế tại Đại học William & Mary (Virginia) – người đã phổ biến khái niệm về mô hình phục hồi chữ K, nhận định, “Phần lớn những gì các nhà hoạch định chính sách đã làm là tạo điều kiện cho những người giàu nhất phục hồi nhanh nhất sau đại dịch”.

Theo dữ liệu từ Opportunity Insights, thuộc Đại học Harvard, việc làm cho những người có thu nhập trên 60.000 USD một năm đã phục hồi lên trên mức một năm trước.

Và khi các vụ đóng cửa diễn ra trên toàn quốc, hàng triệu người, đặc biệt là những người ở trên cùng của bậc thang kinh tế xã hội Mỹ, đã chuyển hướng số tiền mà họ lẽ ra sẽ chi vào những thứ như giải trí, ăn uống và du lịch, sang tiết kiệm hoặc đầu tư.

Với nhiều người, điều này đã được đền đáp xứng đáng. Nhờ những nỗ lực của Fed để hỗ trợ nền kinh tế, chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục, trong khi giá trái phiếu năm 2020 tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ.

Khi tài khoản đầu tư của họ phình to, những người Mỹ khá giả lại nhận được một món quà khác – lãi suất cho vay thế chấp xuống thấp kỷ lục. Những người mua nhà đã tận dụng điều này. Theo dữ liệu từ Fannie Mae, việc thay số khoản vay cũ bằng khoản mới hơn đã tăng nhanh nhất gần hai thập kỷ, cho phép hàng triệu người vay cắt giảm khoản thanh toán hàng tháng của họ.

Người nghèo tụt lại phía sau

Ngược lại, đối với những người ở đầu kia của bậc thang kinh tế, mọi thứ rất khác. Việc làm cho nhóm người Mỹ có thu nhập thấp nhất, ít hơn 27.000 USD một năm, vẫn thấp hơn 20% so với mức tháng 1/2020.

Tình hình việc làm giai đoạn tháng 1 – tháng 10/2020 so với trước đại dịch của các nhóm thu nhập: dưới 27.000 USD/năm (màu đen), 27.000 – 60.000 USD/năm (màu hồng) và trên 60.000 USD/năm (màu xanh). Đồ họa: Bloomberg.

Tháng trước, gần 30 triệu người trưởng thành sống trong các hộ gia đình không đủ ăn, theo khảo sát của Cục Điều tra Dân số Mỹ, tăng 28% so với trước đại dịch. Cuộc khảo sát tại Louisiana, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cho thấy cứ 5 người thì có một người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thực phẩm.

Hơn một phần ba người Mỹ trưởng thành sống trong các hộ gia đình không trả nổi tiền thuê nhà hoặc nợ thế chấp, và có khả năng phải đối mặt với việc bị đuổi hoặc tịch thu nhà trong hai tháng tới, theo Cục điều tra dân số hồi tháng 12. “Mọi người cảm thấy rằng họ đang ở gần hoặc ở đáy vực. Chúng tôi đang thấy rất nhiều sự vô vọng”, Bradford Botes, người đứng đầu công ty luật Bond & Botes ở Birmingham, Alabama, cho biết.

Từ những người mà công ty ông đã tư vấn trên khắp Alabama, Tennessee và Mississippi, việc phát tiền và trợ cấp thất nghiệp không giảm được khó khăn. “Số tiền đó họ chỉ dùng để tồn tại”, ông nói, “Trợ cấp bổ sung không đủ để tạo ra bất kỳ khác biệt nào đối với những người Mỹ bình thường”.

Vấn đề hệ thống

Rõ ràng, các gói tài khóa mà Washington thông qua là một trong những gói lớn nhất mà quốc gia này từng có, và phần lớn nhằm vào những người nghèo nhất. Phối hợp với chính sách nới lỏng tiền tệ, chúng đã giúp rất nhiều người Mỹ vẫn có việc làm.

Tuy nhiên, đi kèm với nỗ lực đó là bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng, cho thấy những hạn chế của cách phản ứng này, theo các nhà phê bình.

Bằng cách nới lỏng các điều kiện tín dụng thông qua Fed, các nhà lập pháp đã nhanh chóng hỗ trợ các tập đoàn lớn và các cá nhân giàu có. Tuy nhiên, việc phân phối viện trợ cho các doanh nghiệp nhỏ hơn và lao động thu nhập thấp hóa ra lại khó khăn hơn rất nhiều. Sự chậm trễ trong phân phối khoản hỗ trợ, cũng như sự mơ hồ về các quy tắc và tiêu chí đủ điều kiện, đã tạo ra nhiều rào cản.

Ngoài ra, không phải ngẫu nhiên mà chính sách tiền tệ hoạt động trơn tru trong khi chính sách tài khóa gặp khó. Trong khoảng bốn thập kỷ, các chính phủ Mỹ chủ yếu đã giao quyền quản lý chu kỳ kinh doanh cho Fed. Còn chính sách tài khóa – vốn phù hợp hơn trong việc điều tiết phân chia miếng bánh – lại dần ít được chuộng trong thời kỳ khủng hoảng. Theo thời gian, bất bình đẳng thu nhập ngày càng nới rộng.

Amanda Fischer, Giám đốc chính sách tại Trung tâm Tăng trưởng Công bằng Washington cho rằng đại dịch đã chứng minh hệ thống mà chính phủ Mỹ sử dụng để tiếp cận người dân Mỹ mỗi ngày đang trục trặc và cần cải tổ. “Quốc hội đã làm được việc khá tốt là đem tiền đến cho mọi người. Nhưng “hệ thống đường ống phân phối cũ kỹ đó” chưa hề được sửa suốt hàng thập kỷ”, bà nói.

Về phần mình, các quan chức Fed cũng thường xuyên thừa nhận rằng kích thích tiền tệ không phải là thuốc chữa bách bệnh và ngân hàng trung ương chỉ có những công cụ hạn chế để giúp đạt được các mục tiêu kinh tế cụ thể. “Fed không thể cấp tiền cho những người thụ hưởng cụ thể được”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói hôm 16/12.

Thêm cứu trợ

Khi nói đến chính sách tài khóa, nhiều nhà kinh tế cho rằng việc không thực hiện một đợt kích thích lớn khác có thể làm chậm phục hồi kinh tế khi vaccine được tung ra. Hàng triệu người sẽ mất trợ cấp thất nghiệp vào giữa tháng 3 nếu Quốc hội không gia hạn. Trong khi đó, các bang và chính quyền địa phương có thể buộc phải cắt giảm thêm ngân sách để bù đắp cho thất thu thuế.

“Nếu không có thêm cứu trợ, họ sẽ phải cắt giảm nhiều hơn, cắt giảm dịch vụ và điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến các gia đình và cộng đồng có thu nhập thấp hơn”, Heidi Shierholz – cựu kinh tế trưởng của Bộ Lao động thời Obama nhận định.

Bà cho biết cứu trợ toàn diện cho chính quyền các bang và địa phương cũng như trợ cấp bổ sung cho người thất nghiệp nên được ưu tiên trong các biện pháp tiếp theo. Các nhà kinh tế như Atwater cũng đang cảnh báo hậu quả dài hạn của việc nới rộng bất bình đẳng thu nhập, vốn có liên quan đến tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ phạm tội cao và bất ổn xã hội gia tăng.

“Bạn không thể có một nền kinh tế và hệ thống chính trị bền vững, nếu tồn tại một nhóm nhỏ tin rằng họ là vô địch và một nhóm ngày càng tăng luôn có cảm giác thất bại”, ông nói.

Theo Vnexpress

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…