Viettel xây dựng hệ sinh thái giao thông số
Sau 6 tháng khởi động dự án thu phí không dừng, Viettel vận hành hệ thống ePass và hợp tác với 35 trạm BOT, hoàn thành sớm nhiệm vụ Chính phủ giao phó.
Cuối tháng 12/2020, Bộ Giao thông Vận tải vận hành hệ thống thu phí đường bộ tự động không dừng ePass giai đoạn hai, tại 35 trạm BOT trên toàn quốc theo hình thức hợp đồng – sở hữu – kinh doanh (BOO). Hệ thống này do công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC (thuộc Viettel) triển khai.
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ hôm 25/11/2020 về việc xử lý các bất cập ở dự án BOT giao thông, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thúc đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị tại trạm thu phí, đảm bảo đến cuối năm phải đưa vào đồng bộ trên toàn quốc.
Với ePass, Bộ Giao thông Vận tải cùng Viettel đã thực hiện đúng tiến độ được giao, nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí và thuận tiện hơn cho người tham gia giao thông.
“Viettel có trách nhiệm đưa các giải pháp công nghệ để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước và người dân”, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng giám đốc Viettel nói. “Với ePass, chúng tôi cùng ngành giao thông đã thực hiện những bước đầu của hệ sinh thái giao thông số, giao thông thông minh”.
Để hoàn thành đề án này, Viettel đã ứng dụng nhiều công nghệ theo tiêu chuẩn trên thế giới. Trong đó, công nghệ nhận diện ký tự quang học(OCR) có khả năng tự động điền vào phiếu đăng ký với độ chính xác cao, giúp giảm thời gian đăng ký dịch vụ. Hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS) được Viettel nghiên cứu và đã triển khai tại Việt Nam cũng như 10 quốc gia trên toàn quốc với độ chính xác cao.
Đại diện tập đoàn này cho biết, Viettel đã hoàn thành đàm phán ký kết liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ trong giai đoạn 1 và 2, đảm bảo thông suốt cho khách hàng trên toàn quốc trước ngày 31-12-2020. Với người lái xe, khi dán thẻ ePass có thể sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm có triển khai dịch vụ trên phạm vi toàn quốc.
Theo ước tính của tập đoàn này, khi sử dụng hệ thống thu phí không dừng ePass, người tham gia giao thông có thể giảm thời gian đi qua trạm thu phí khoảng 60 lần so với trước đây. Người dùng ePass sẽ được trải nghiệm dịch vụ toàn trình trên nền tảng số từ đăng ký dịch vụ, phục vụ dán thẻ, thanh toán, chăm sóc khách hàng. Người dùng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa. Kết nối thanh toán trực tuyến với ngân hàng số ViettelPay, khi đi qua trạm, hệ thống sẽ quét và trừ tiền trực tiếp vào tài khoản.
“Với chủ đầu tư BOT, ePass cam kết 100% không xảy ra lỗi, tiền thu từ giao dịch thu phí được tự động chuyển về tài khoản chủ đầu tư đúng, đủ phần doanh thu không quá 24 giờ”, đại diện Viettel nói.
Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel cũng cho rằng, đầu tư cho phát triển hạ tầng chính là ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng và phát triển các đô thị thông minh. “Là tập đoàn công nghiệp, công nghệ lớn bậc nhất Việt Nam, Viettel khát vọng xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong nước. Với nhiệm vụ lần này, chúng tôi đã huy động toàn bộ hệ sinh thái của mình vào cuộc, hoàn thành đúng tiến độ được Chính phủ giao”, ông Dũng nói.
Trong giai đoạn tới, tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và điều hành giao thông, góp phần chuyển đổi số toàn diện cho ngành giao thông vận tải.
Theo VNEXPRESS