Đằng sau sự im ắng nhiều tháng của Jack Ma

Các doanh nghiệp của Jack Ma đang chịu sức ép rất lớn, nhưng tỷ phú vẫn không ra mặt và đã im hơi lặng tiếng từ tháng 10 năm ngoái.

Jack Ma trước nay vẫn là biểu tượng thành công của Trung Quốc, khi từ một giáo viên tiếng Anh thành doanh nhân khởi nghiệp lọt top giàu nhất thế giới. Khi còn điều hành Alibaba, ông thường xuyên phát biểu trước công chúng và là diễn giả cấp cao tại nhiều sự kiện quốc tế lớn, như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Sau khi rời chức Chủ tịch Alibaba năm 2019, Jack Ma vẫn duy trì thói quen này để quảng bá cho các dự án từ thiện – hoạt động chính của ông khi rời việc kinh doanh. Bài đăng mới nhất của ông trên Weibo là từ ngày 17/10, về bài phát biểu của mình tại một diễn đàn về giáo dục ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, lần cuối cùng Jack Ma xuất hiện trước công chúng hoặc có động thái trên mạng xã hội đã là cuối tháng 10/2020. Khi đó, ông phát biểu trong một diễn đàn tại Thượng Hải.

Jack Ma sau đó thậm chí vắng mặt trong đêm chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng tại châu Phi do chính ông sáng lập, theo Financial Times. Tỷ phú được thay thế bằng một lãnh đạo của Alibaba trong buổi ghi hình tập cuối của Africa’s Business Heroes tháng 11. Đây là cuộc thi trên truyền hình dành cho các doanh nhân khởi nghiệp. Ảnh của ông bị gỡ bỏ khỏi phần giới thiệu giám khảo trên website và cũng biến mất trong video quảng bá của cuộc thi.

Trước đó, ngày 12/10, ông còn cho biết rất mong ngóng gặp các thí sinh trong đêm chung kết. Trên CNN, Alibaba giải thích rằng “Jack Ma bỏ lỡ tập cuối do xung đột về lịch trình”. Tuy nhiên, công ty này từ chối bình luận về việc ông đang ở đâu.

Kể từ tháng 10, cả ba tài khoản Twitter của Jack Ma cũng không hoạt động. Động thái này được coi là bất thường đối với một người từng tweet vài chục lần một ngày như tỷ phú.

Giới quan sát đã rất nhanh chóng đưa ra lý giải về sự biến mất đột ngột này. Duncan Clark – tác giả cuốn sách “Alibaba: The House that Jack Ma Built” cho rằng Jack Ma chỉ đang im hơi lặng tiếng tại Trung Quốc. Biên tập viên David Faber của CNBC cũng có nhận định tương tự, sau hàng loạt biến cố xảy ra với các đế chế của Jack Ma gần đây.

Sự chú ý đổ dồn về bài phát biểu tại Thượng Hải của tỷ phú – sự kiện diễn ra chỉ một tuần trước khi IPO của Ant Group – công ty thanh toán do Alibaba kiểm soát – bị giới chức ra lệnh hoãn vào phút chót. Trong diễn đàn, ông công khai chỉ trích giới chức Trung Quốc bóp nghẹt sáng tạo khi quá e sợ rủi ro.

“Điều chúng ta cần là xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh, chứ không phải là các rủi ro tài chính hệ thống”, ông nói, “Sáng tạo mà không đi kèm rủi ro sẽ giết chết sự đột phá. Chẳng có sự đột phá nào trên thế giới mà không đi kèm rủi ro cả”.

Jack Ma còn cho rằng các ngân hàng truyền thống hoạt động như “các cửa hàng cầm đồ” vì luôn yêu cầu thế chấp trước khi vay. Ông còn tự tin khẳng định có thể giúp giải quyết các vấn đề tài chính của Trung Quốc thông qua đổi mới.

Vài ngày sau, giới chức Trung Quốc triệu tập Jack Ma và các lãnh đạo Ant Group để thực hiện “các cuộc hỏi đáp về quy định”. Và rồi IPO Ant Group đột ngột bị hoãn. Từ IPO được dự báo lớn nhất thế giới, Ant Group bị yêu cầu cải tổ hoạt động kinh doanh. Giới chức Trung Quốc cũng chỉ trích công ty này cạnh tranh không lành mạnh và làm tổn hại quyền lợi người tiêu dùng.

Alibaba cũng đang bị giới chức điều tra vì cáo buộc độc quyền. Tháng trước, công ty này và 2 doanh nghiệp khác còn bị giới chức phạt vì không báo cáo các thương vụ M&A gần đây. Tuần trước, WSJ đưa tin Bắc Kinh đang tìm cách thu hẹp đế chế của Jack Ma và có thể tăng cổ phần tại công ty của ông.

Sự kiện tại Thượng Hải có lẽ đã khiến giới chức để mắt đến các doanh nghiệp của tỷ phú. Jeffrey Halley – nhà phân tích tại OANDA cho rằng các bình luận của Jack Ma “rõ ràng không khiến Bắc Kinh đồng ý”. Vì thế, ông cho rằng tỷ phú đang tự nguyện “im hơi lặng tiếng, để các nhân viên làm việc với giới chức và tìm ra một giải pháp chấp nhận được”.

WSJ cũng nhận định tuyên bố của Jack Ma chọc tức các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nó đã đẩy mối quan hệ căng thẳng giữa tỷ phú này và chính quyền lên đến đỉnh điểm, trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn luôn lo lắng về tầm ảnh hưởng và tốc độ phát triển các nền tảng thanh toán điện tử của Jack Ma.

Dù không còn giữ chức vụ lãnh đạo nào trong các công ty mình đồng sáng lập, Jack Ma vẫn là cổ đông lớn nhất của Alibaba với gần 5% cổ phần, tương đương 25 tỷ USD. Trong báo cáo năm ngoái, Ant Group cũng cho biết Jack Ma “có quyền kiểm soát tối cao” với công ty này. Tài sản cá nhân của ông được dự báo tăng vọt sau khi Ant làm IPO.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng bị Trung Quốc siết chặt kiểm soát, khối tài sản của Jack Ma đã bốc hơi gần 11 tỷ USD. Jack Ma hiện chỉ sở hữu 51,5 tỷ USD và rơi xuống vị trí thứ 25 trong bảng xếp hạng người giàu thế giới.

Vốn hoá của Ant Group được dự báo có thể bốc hơi đến 140 tỷ USD. Đồng thời, hãng công nghệ tài chính này cũng phải trả lại hàng trăm tỷ USD cho các nhà đầu tư. Và theo nguồn tin của Bloomberg, IPO của Ant chỉ có cơ hội rất nhỏ để hồi sinh trong năm tới.

Hiện chưa rõ liệu Jack Ma có tham gia những cuộc họp sau đó về tương lai các doanh nghiệp của ông hay không. Dù vậy, khi Jack Ma vắng mặt, các công ty này đã thể hiện rằng họ đang nghe lời Bắc Kinh. Ant tuần trước cho biết họ đánh giá cao “sự hướng dẫn và hỗ trợ” của giới chức sau khi Bắc Kinh công khai các yêu cầu của họ với công ty này. Alibaba thì cuối tháng 12 cam kết “hợp tác tích cực” với giới chức chống độc quyền.

Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh muốn chủ đề IPO Ant Group thống trị mặt báo và các cuộc trò chuyện của người dân. Ant có lẽ cũng hiểu rằng họ không nên đưa ra quan điểm khác về vấn đề này.

“Trong văn hóa Trung Quốc, nếu bạn giàu, có quyền lực kinh tế và ảnh hưởng xã hội lớn, bạn sẽ thành mối nguy hiểm. Để an toàn, bạn nên kín tiếng thôi”, Gary Liu – nhà kinh tế học độc lập tại Thượng Hải cho biết trên NYT.

Ở Trung Quốc, người dân coi Ant là công ty hưởng lợi lớn từ lập trường thận trọng của giới chức trong việc quản lý tài chính số. “Nhưng Jack Ma vẫn phàn nàn”, ông nói, “Trong văn hóa Trung Quốc, thế là không tôn trọng rồi”.

Không chỉ Trung Quốc, Mỹ cũng đang đe dọa các doanh nghiệp của Jack Ma. Vài tuần gần đây, Washington đẩy nhanh chiến dịch chống lại các công ty Trung Quốc. Dù Alibaba không phải là mục tiêu cụ thể, họ cũng bị nhắc đến trong một bài phát biểu hè năm ngoái của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi thúc giục các công ty Mỹ loại bỏ công nghệ Trung Quốc “không đáng tin” ra khỏi hệ thống.

Theo Vnexpress

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…