Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi không áp thuế hàng xuất khẩu Việt Nam

Alexander Feldman, Chủ tịch kiêm CEO Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN trong một lần làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung, MPI.

Nhiều hiệp hội và doanh nghiệp Mỹ nhận định việc Mỹ nhập siêu nhiều từ Việt Nam là do yếu tố khách quan mà không phải do tiền đồng bị định giá thấp.

Cuối tháng 12, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tổ chức phiên điều trần ghi nhận ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp Mỹ trước nghi ngại xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ ngày càng thặng dư do tiền đồng bị phá giá.

Đây là cuộc điều tra do USTR tiến hành từ đầu tháng 10, song song với điều tra của Bộ Tài chính Mỹ. Theo chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump, USTR đã điều tra theo mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 để đánh giá Mỹ ngày càng nhập siêu từ Việt Nam có phải do tiền đồng bị định giá thấp hay không.

Trong báo cáo gần đây, Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn Việt Nam và Thuỵ Sỹ thao túng tiền tệ, nhưng sẽ không có biện pháp trừng phạt hay hình thức thuế quan nào tự động kích hoạt. Còn điều tra riêng của USTR theo Đạo luật thương mại 1974 sẽ cho phép Mỹ đơn phương áp đặt thuế quan trả đũa nếu họ xác định đối tác thương mại có hành vi ngoại thương không công bằng.

Tuy nhiên, hầu hết hiệp hội và doanh nghiệp Mỹ tham gia cuộc điều trần của USTR đều nhận định việc Mỹ nhập siêu nhiều từ Việt Nam là do các yếu tố khách quan mà không phải do tiền đồng bị định giá thấp.

Ông Alexander Feldman, Chủ tịch kiêm CEO Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN khẳng định, một trong những nguyên nhấn khiến Mỹ ngày càng nhập siêu nhiều từ Việt Nam là do hàng xuất khẩu nước này đang dần mất lợi thế về thuế quan.

Trở ngại lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Mỹ là Việt Nam đã ký kết các hiệp định thuơng mại tự do (FTA) mạnh mẽ với hầu hết quốc gia Liên minh châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đáng tiếc là Mỹ đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông nói.

Đồng quan điểm, bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Amcham khẳng định, các nhà xuất khẩu và nhập khẩu không xem chính sách tỷ giá của Việt Nam là vấn đề đối với hoạt động của họ. “Vấn đề là Mỹ gần như đứng ngoài toàn bộ FTAs, trong khi thế quan là yếu tố cực kỳ quan trọng với hàng hoá xuất nhập khẩu”, bà nói.

Tham gia phiên điều trần, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong các giả định, dữ liệu tính toán của Bộ Tài chính Mỹ và USTR.

Đơn cử, một trong ba tiêu chí để Mỹ xác định một nước thao túng tiền tệ là can thiệp liên tục lên thị trường ngoại hối. Nghiên cứu của Bộ Tài chính có sử dụng tài liệu của IMF, nhưng ngay trong tài liệu của IMF cũng thừa nhận lỗ hổng trong nghiên cứu của họ là không đề cập tới việc chính sách can thiệp ngoại hối của một nước có thể nhằm mục đích phù hợp với điều kiện kinh tế, hay việc tăng dự trữ ngoại hối là cần thiết để đạt mục tiêu dự trữ trung hạn, ông Lực nói.

Và thực tế là dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp trong ba năm gần đây – chỉ khoảng 3,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (9 tháng), Singapore (5 tháng), Trung Quốc (14 tháng), Philippine và Hàn Quốc (8 tháng).

Một vấn đề khác được ông Lực lý giải với USTR là xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, có nghĩa là muốn xuất khẩu, Việt Nam lại phải nhập khẩu nhiều hơn. Khu vực FDI cũng chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua và chiếm gần một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu. Do ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu kém nên để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp FDI cần nhập khẩu đầu vào sản xuất và nguyên phụ liệu dù tỷ giá cao hay thấp.

“Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra, khi giá trị thực của tiền đồng mất giá, xuất khẩu của Việt Nam không tăng như mong đợi mà ngược lại còn giảm”, ông Lực chia sẻ. Tóm lại, Việt Nam không được lợi về xuất khẩu khi phá giá tiền tệ, không có động cơ và trên thực tế cũng không phá giá tiền tệ.

Phản hồi tại phiên điều trần, ông John Goyer, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Phòng Thương mại Mỹ cho biết cũng đặt ra những câu hỏi đối với những giả thiết của báo cáo. “Tôi nghĩ rằng hai nước cần phải tiếp tục thảo luận và đi sâu hơn vào một số vấn đề”, ông nói.

Chia sẻ tại phiên điều trần, bà Eva Hampl, Giám đốc cấp cao của Hội đồng kinh doanh quốc tế Mỹ (USCIB) cũng cho biết USCIB không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các thành viên rằng định giá tiền tệ là mối lo ngại của họ. “Phản hồi chính mà chúng tôi nhận được là những lo ngại nếu Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Việt Nam”. Bà Eva khẳng định dù kết quả điều tra của Bộ Tài chính và USTR ra sao, việc áp thuế quan không phải là phản ứng thích hợp.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ lo ngại việc áp thuế quan lên hàng xuất khẩu của Việt Nam gây ra bất lợi cho chính doanh nghiệp và người dân Mỹ.

Chủ tịch kiêm CEO của hiệp hội kinh doanh và thương mại giày dép của Mỹ (FDRA), ông Matt Priest nói: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ và Việt Nam làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề quan trọng này và mong rằng không có bất kỳ thuế quan bổ sung nào áp lên mặt hàng giày dép”.

Việc áp thêm thuế quan với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây tổn hại trực tiếp đến doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vì Covid-19, Matt Priest nói.

Người của Bộ thương mại Mỹ đặt câu hỏi cho ông Matt Priest tại phiên điều trần 29/12. Ảnh chụp màn hình.
Người của Bộ thương mại Mỹ đặt câu hỏi cho ông Matt Priest tại phiên điều trần 29/12. Ảnh chụp màn hình.

Qua trao đổi với một số giám đốc doanh nghiệp trong ngành, Matt Priest cho biết nếu có bất kỳ hành động áp thuế lên hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ thì bên duy nhất được hưởng lợi là Trung Quốc. Nếu chính quyền Mỹ có hành động làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, các doanh nghiệp sẽ tìm cách quay trở lại Trung Quốc để phục hồi sản xuất. Đặc biệt trong ngành giày dép, Mỹ hiện nay không có nhiều lựa chọn nguồn cung ngoài Việt Nam và Trung Quốc, Matt Priest nhận định.

Tại phiên điều trần, USTR cũng lắng nghe và tham vấn các chuyên gia về việc “nên ứng xử như thế nào trong thời gian tới”.

Bà Vanessa P. Sciarra, Phó chủ tịch phụ trách pháp lý và chính sách thương mại và đầu tư, Hội đồng Ngoại thương Quốc gia (NFTC) mong rằng “mọi thứ sẽ được bình thường hoá”. Bà lo ngại việc áp dụng các biện pháp trừng phạt có thể khiến mối quan hệ hai nước trở nên tồi tệ hơn trong ngắn hạn, đồng thời có thể gây ra đòn trả đũa thuế quan, làm tổn hại uy tín và bất lợi cho hàng xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam.

Như chúng ta vẫn thường thấy trong 4 năm qua, các cuộc chiến tranh thương mại không dễ thắng và gây ra thiệt hại lớn đối với người lao động và người tiêu dùng của nền kinh tế Mỹ, bà Vanessa nhận định.

Bên cạnh đó, phiên điều trần cũng xuất hiện một vài ý kiến trái chiều từ Hiệp hội công nhân ngành thép, một doanh nghiệp sản xuất nam châm, một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nhỏ. Họ nghi ngờ doanh nghiệp bị thiệt hại do tiền đồng bị định giá thấp, vì thế ủng hộ Mỹ có các biện pháp mạnh tay với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên trong một nhà máy sản xuất da giày của Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Bên trong một nhà máy sản xuất da giày của Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến từ hiệp hội và doanh nghiệp Mỹ cho rằng giải pháp cho việc giảm xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ là tăng cường đàm phán và ký kết cam kết thương mại với Việt Nam. Các chuyên gia cũng cho rằng USTR không cần thiết phải điều tra riêng mà nên để Bộ Tài chính Mỹ đánh giá và xem xét về vấn đề chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Ông Feldman kỳ vọng chính quyền Mỹ sẽ đàm phán với Việt Nam để tìm ra giải pháp, hy vọng Việt Nam sẽ mua các sản phẩm của Mỹ với quy mô lớn hơn, gồm các mặt hàng nông nghiệp. Riêng về vấn đề về tiền tệ, ông tin rằng đây là vấn đề nên được xem xét bởi Quốc hội và Bộ Tài chính Mỹ hơn là bởi USTR.

Đồng tình với ý kiến của Felman, bà Eva Hampl, Giám đốc cấp cao của Hội đồng kinh doanh quốc tế (USCIB) nói thêm rằng, lý tưởng nhất và Việt Nam và Mỹ có được một FTA. Nói chung, việc có một cam kết thương mại giữa hai nước là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề nhập siêu, bà nhận định.

Phó chủ tịch phụ trách pháp lý và chính sách thương mại và đầu tư của NFTC cũng đề xuất Mỹ và Việt Nam nên tăng cường mối quan hệ hợp tác thông qua Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư một cách có hiệu quả hơn.

Tương tự với đề xuất từ phía các hiệp hội và doanh nghiệp Mỹ, ông John Goyer, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Phòng Thương mại Mỹ thấy rằng chính quyền không cần thiết phải có những hành động thuế quan do kết quả của cuộc điều tra tiền tệ.

Ông cho biết Phòng thương mại Mỹ cũng từng đề xuất với chính quyền Mỹ việc xem xét tham gia vào FTA như một giải pháp dài hạn hơn cho thương mại song phương. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ hiện nay cũng “không quan tâm nhiều” tới FTA. Do đó, phòng thương mại Mỹ đề xuất tăng cường tham gia và nỗ lực để Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) có hiệu quả hơn. Ông cho rằng TIFA là cơ hội để hai nước giải quyết các vấn đề và mối quan hệ một cách hiệu quả.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…