Mỹ khởi động dự án giám sát mực nước sông Mekong ở Trung Quốc
Một dự án do Mỹ tài trợ sử dụng vệ tinh để theo dõi và công bố mực nước tại các con đập của Trung Quốc trên sông Mekong đã được khởi động vào ngày 14-12, gây thêm căng thẳng cho hai cường quốc này tại khu vực Đông Nam Á.
Bắc Kinh đã bác bỏ nghiên cứu của Mỹ nói rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ lại nước, gây bất lợi cho các quốc gia ở hạ nguồn, nơi có khoảng 60 triệu người dân mưu sinh nhờ vào sông Mekong.
Dự án Giám sát Đập sông Mekong, được Bộ Tư pháp Mỹ tài trợ một phần, sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh có khả năng chụp ảnh xuyên tầng mây để theo dõi mực nước của các con đập ở Trung Quốc và các nước khác. Cơ quan này sẽ công khai thông tin thu thập được trong thời gian gần nhất, theo hãng tin Reuters.
Trong số các dữ liệu này có chỉ số đặc biệt đáng quan tâm là “độ ẩm bề mặt”, chỉ rõ phần nào của khu vực ẩm ướt hay khô hạn hơn bình thường. Từ đó cho thấy các dòng chảy tự nhiên đã bị các con đập ảnh hưởng như thế nào.
“Hệ thống giám sát cung cấp bằng chứng rằng 11 con đập trên dòng chảy chính ở Trung Quốc được phân bổ và vận hành tinh vi để tối đa hóa công suất thủy điện cho các tỉnh miền đông Trung Quốc mà không xem xét đến các tác động đến hạ nguồn” – ông Brian Eyler, thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, cho biết.
Bắc Kinh đã chỉ trích các nghiên cứu trước đây, bao gồm một nghiên cứu của Eyes on Earth thuộc dự án Giám sát Đập sông Mekong, khi các nghiên cứu này báo cáo việc các con đập ở Trung Quốc đã giữ lại nước trong năm 2019 trong khi các quốc gia khác ở hạ nguồn sông Mekong phải chịu cảnh hạn hán nghiêm trọng.
“Mỹ đã không cung cấp bằng chứng xác đáng. Lợi ích thủy điện thượng nguồn sông Lan Thương (cách Trung Quốc gọi Mekong) đối với các hàng xóm hạ nguồn sông Mekong rất rõ ràng và hiển nhiên” – Viện Năng lượng tái chế do nhà nước của Trung Quốc tuyên bố.
Viện này nói thêm rằng nước được trữ trong các hồ chứa suốt mùa lũ đã giúp ngăn chặn cả ngập lụt và hạn hán ở hạ nguồn con sông.
Đầu năm 2020, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu mực nước với Ủy hội Sông Mekong (MRC) – cơ quan liên chính phủ với các thành viên là các ủy ban sông Mekong của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc và Myanmar là 2 đối tác của MRC.
Trung Quốc và Mỹ đều có các cơ quan đối lập để hợp tác với các quốc gia sông Mekong. Với Bắc Kinh là Hợp tác sông Mekong – Lan Thương và với Mỹ là Quan hệ đối tác Mỹ – Mekong. Ngoài ra, Washington luôn thách thức tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh tại Biển Đông – vùng biển giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ.
Theo Tuổi Trẻ