Đủ nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Chiều ngày 10/12, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về công tác đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Người tiêu dùng mua sắm sản phẩm trái cây tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội)

Không lo thiếu nguồn cung

Ở khâu sản xuất, ông Trần Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT)- cho biết, cân đối về cung sản xuất ngành nông nghiệp có thể đảm bảo cho nhu cầu lương thực, thực phẩm cho Tết Tân Sửu 2021, cũng như quý I/2021. Cụ thể, cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa năm 2020 như sau: sản xuất đạt khoảng 43,13 triệu tấn; nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là 30 triệu tấn thóc; lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 – 13,5 triệu tấn thóc).

Về mặt hàng rau quả, 11 tháng đầu năm 2020 diện tích rau cả nước sản xuất khoảng 900 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 16,182 triệu tấn. Tuy nhiên rau xanh do gặp diễn biến thời tiết bất thường, đặc biệt khu vực miền Trung, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, giá cả có thể nhích lên.

Đối với ngành chăn nuôi, tình hình chăn nuôi trên cả nước 10 tháng đầu năm 2020 phát triển khá tốt; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Giá trị sản xuất chăn nuôi 10 tháng đầu năm tăng khoảng 4,0-4,5%, ước cả năm 2020 tăng khoảng 5,0-6,0% so với năm 2019, do tốc độ tăng trưởng chăn nuôi quý 4 đang có chiều hướng tăng cao. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, tiếp tục đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng số lợn tháng 10 tăng 7,6% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt lợn hơi cả năm dự kiến đạt 3.459,3 nghìn tấn, tăng 3,9% so với năm 2019….

Ông Trần Quốc Toản cho hay, dự kiến từ nay đến hết năm 2020, các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhất là thịt, trứng sẽ tăng lên từ 5-10% so với bình quân; với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung – cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm. Tuy nhiên, do hậu quả của đợt bão, lũ vừa qua có thể việc phục hồi đàn vật nuôi tại một số địa phương gặp khó khăn và triển khai chậm, việc vận chuyển giữa các khu vùng, các khu vực cũng gặp khó khăn nhất định.

Dự báo sức mua thị trường sẽ tăng từ 15-20%, không có biến động lớn về giá

Thông tin tại buổi làm việc ở khâu phân phối, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương)- cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công Thương nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lượng lương thực, thực phẩm. Sức mua tăng do niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô khá tốt, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng. “Với con số thông tin về nguồn cung hàng hóa từ phía Bộ NN&PTNT chúng ta tương đối yên tâm về nguồn cung thực phẩm sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết và cuối năm”, ông Trần Duy Đông nói.

Hiện người dân đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các hàng hóa chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, ông Trần Duy Đông cũng khuyến nghị các nhà sản xuất, doanh nghiệp nông lâm thủy sản chú ý yếu tố này.

Hai Bộ cùng hợp tác để đảm bảo nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm

Nhu cầu tiêu dùng của người dân về hàng hóa thiết yếu sẽ bắt đầu tăng cao vào 30, 31/1/2021 (rơi vào những ngày cuối tuần và là ngày 18, 19 tháng Chạp âm lịch) và vào ngày 6, 7/2/2021 (25, 26 tháng Chạp âm lịch), các nhà sản xuất, kinh doanh cần lưu ý trong việc chuẩn bị nguồn hàng.

Về giá cả, do nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình chuẩn bị Tết khá chu đáo sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Bộ Công Thương dự báo, giá hàng hóa năm nay sẽ không có biến động lớn. “Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các doanh nghiệp bán lẻ đã lên kế hoạch khuyến mại, giảm giá, do đó, giá cả sẽ không có biến động lớn. Tại các chợ dân sinh, những ngày cận Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống thường có biến động tăng do nhu cầu thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, do có sự đối trọng từ các điểm bán hàng bình ổn, siêu thị, trung tâm thương mại giữ giá ổn định, sẽ góp phần kiềm chế mức giá chung tại chợ dân sinh”, ông Trần Duy Đông nói.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đến nay, có 33/63 tỉnh thành có kế hoạch dự trữ bình ổn thị trường. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020, tại TP Hồ Chí Minh con số này là 19.680 tỷ đồng, trong đó, dành 7.132 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường. Các Tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đều có kế hoạch tăng cường sản xuất, tăng dự trữ, nhập khẩu… bảo đảm cung ứng, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ Tết Nguyên đán 2021.

Liên quan đến công tác quản lý thị trường, bà Chu Thị Thu Hương- Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) thông tin, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân. Kiểm tra, kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản, trong đó tập trung kiểm tra chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố…

Ngoài ra, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng báo cáo công tác xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ Xuân và đẩy mạnh công tác điều tiết hàng hóa tại các cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu biên giới phía Bắc, tránh tình trạng ách tắc hàng hóa tại biên giới dịp cuối năm.

Vẫn cần chủ động đưa ra các giải pháp điều tiết

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, qua báo cáo của các đơn vị của Bộ NN&PTNT, cũng như công tác chuẩn bị của các đơn vị phân phối cho thấy các mặt hàng thiết yếu không chỉ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu từ nay đến cuối năm 2020,Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 và cả những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, cần chủ động các biện pháp, đưa ra các giải pháp điều tiết để tránh chỗ này thừa, chỗ khác lại thiếu. “Đến thời điểm này chúng ta khẳng định nguồn hàng là không thiếu, không có việc sốt hàng hoặc giá cả tăng cao đột biến. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cần đẩy mạnh thông tin truyền thông để người dân biết, tránh tâm lý tích trữ hàng hóa”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (thứ 2 từ trái sang) phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung lương thực, hạn chế sự tăng giá, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị phía Bộ NN&PTNT thường xuyên rà soát, đánh giá số liệu thực tế nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. “Mặc dù về đánh giá chung khẳng định nguồn hàng hóa là không thiếu, tuy nhiên, cũng không chủ quan mà cần phải rà soát đánh giá rất cụ thể” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến nghị.

Đồng thời, đề nghị Bộ chỉ đạo các Sở NN&PTNT các tỉnh thành trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các Sở, ban, ngành có liên quan để tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất và áp dụng thực hành sản xuất tốt, chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch. Tổ chức các hội chợ thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn dịp giáp Tết để cung cấp đến với người dân, người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn.

Đối với mặt hàng đường, ngành hàng này đang gặp phải khó khăn, thách thức, đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất lưu thông, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, cung cấp đều đặn số liệu tiêu thụ, tồn kho của mặt hàng đường theo tháng, quý, để công tác dự báo thị trường được chính xác. Đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh.

Ghi nhận ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, việc đảm bảo cho người dân có cái Tết no đủ, an toàn cần sự phối hợp của các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT là hết sức quan trọng. Mặc dù nguồn cung thực phẩm được dự báo là không thiếu, tuy nhiên, việc này còn chịu tác động bởi các yếu tố khách quan như vấn đề thiên tai, dịch họa, hiệu ứng về mặt xã hội. Do đó, cần thường xuyên cập nhật thông tin, cũng như công tác phối hợp giữa 2 Bộ sao cho kịp thời chuẩn xác.

Ông Lê Minh Hoan cũng đề nghị phía Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều điểm bán hàng bình ổn giá đối với các mặt hàng phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Tân Sửu 2021, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi đặc biệt khó khăn.

Theo Báo Công Thương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *