Maradona – người ngoại lệ của túc cầu
Sống một cuộc đời buông thả, nhưng huyền thoại vừa qua đời Diego Maradona vẫn được yêu mến bởi tài năng và cảm xúc đặc biệt mà ông đem lại cho thế giới bóng đá.
Khi bình chọn 100 cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử năm 2017, tờ FourFourTwo lần lượt lựa chọn Cristiano Ronaldo, Johan Cruyff, Pele và Lionel Messi cho vị trí từ thứ năm tới thứ hai. Vị trí số một được trao cho “Cậu bé Vàng” Diego Armando Maradona. Lựa chọn này lập tức làm dấy lên tranh cãi, chất vấn rằng tại sao một ngôi sao có lối sống buông thả như Maradona lại được chọn, thay vì Pele – người vô địch World Cup nhiều lần hơn và ghi nhiều bàn thắng hơn, hay hậu bối Lionel Messi – người giành nhiều danh hiệu hơn?
Nhưng như FourFourTwo giải thích, lựa chọn được đưa ra rất đơn giản: Nếu chọn một album nhạc ưa thích, bạn sẽ chọn đĩa nhạc bán chạy nhất lịch sử, đĩa nhạc được các nhà phê bình bình chọn hay nhất hay đơn thuần lựa chọn đĩa nhạc tập hợp những bài hát khiến bạn cảm thấy “đã đời” nhất? Maradona cũng vậy. Bóng đá được xem là môn thể thao vua nhờ vẻ đẹp của sự kịch tính, của những cung bậc xúc cảm không thể diễn tả bằng lời, và chiếu theo lăng kính ấy, trong lịch sử, hiếm cầu thủ nào đem tới nhiều cảm xúc bằng Maradona.
Là một, là riêng, là duy nhất
Kể từ sau thời của Maradona, những cầu thủ trẻ tài năng chơi trên hàng công đều sẽ bị truyền thông Argentina đặt cho cái mác “Maradona mới”. Và nhiều người đã thui chột bởi áp lực vô hình ấy, như “Maradona mới” đầu tiên Diego Latorre, hay Ariel Ortega, Marcelo Gallardo… Cũng có vài người, như Juan Riquelme, Carlos Tevez hay Sergio Aguero, Messi… vươn tới tầm ngôi sao. Messi thành công hơn cả, với sáu Quả Bóng Vàng cùng vô số chiến tích hiển hách. Nhưng ngay cả anh cũng phải khiêm nhường khi nói về huyền thoại tiền bối: “Có chơi bóng thêm triệu năm nữa, tôi cũng chẳng bao giờ tiệm cận được Maradona. Ông là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử”.
Hành trình đi tìm một “Maradona mới” giống như một ảo vọng của Argentina, bởi xuất chúng như Messi còn chẳng thể khỏa lấp hình bóng của Maradona trong lòng người yêu bóng đá đất nước Nam Mỹ này. Sẽ có những cầu thủ tấn công tài hoa trong tương lai, nhưng có lẽ, sẽ chẳng thể nào có một ai giống Maradona. Bởi ông là một, là riêng, là duy nhất. Năm 1998, tôn giáo Iglesia Maradoniana được ra đời tại Rosario để thờ phụng Maradona với 10 điều răn và tính lịch từ… năm 1960, năm sinh của ông. Từ ba sáng lập viên ban đầu, ngày nay Nhà thờ Maradona có đến 200.000 thành viên trên toàn cầu với tôn chỉ “lan tỏa những phép màu của Diego tới vũ trụ”. Còn theo cơ quan đăng ký công dân Argentina, đã 12.370 người được đặt theo tên của ông.
Sự hâm mộ cuồng nhiệt Maradona càng khó hiểu nếu xét về cuộc sống ngoài sân cỏ. Theo The Guardian, ngay từ khi còn trẻ, Maradona đã bất chấp các luật lệ. Khi trở thành cầu thủ, ông bắt đầu dùng chất cấm tại Barcelona và duy trì thói quen đó khi sang Napoli. Ông tiệc tùng và công khai chụp ảnh cùng dân Camorra (Mafia ở Naples), từng tới thăm và chơi bóng ông trùm Pablo Escobar khi tay này bị giam giữ trong nhà tù riêng.
Để vượt qua những bài kiểm tra nước tiểu của Serie A, ông thậm chí còn sử dụng một… dương vật giả với nước tiểu của người khác. Bàn thắng nổi tiếng bậc nhất sự nghiệp của ông được ghi… bằng tay và ông thậm chí còn chẳng hề ngại ngùng gọi đó là “bàn tay của Chúa”. Ngay sau khi đưa bóng vào lưới và nhận thấy trọng tài không nhìn ra hành vi kể trên, ông đã thúc giục các đồng đội “tới ôm tôi ăn mừng nhanh lên, nếu không trọng tài sẽ không công nhận bàn thắng”. Cho đến cuộc phỏng vấn trước sinh nhật năm nay, Maradona vẫn “mơ về việc ghi bàn tương tự vào lưới Anh, nhưng lần này là bằng… tay phải”.
Khi còn trong cuộc hôn nhân với Claudia Villafane, nhân tình của Maradona đã nhiều không đếm xuể và ông thậm chí còn từng không thừa nhận cậu con trai ngoài giá thú Diego Sinagra. Về tài chính, ông vẫn nợ hàng chục triệu euro tiền thuế đối với chính phủ Italy. Khi về già, Maradona vẫn nhiều lần khiến người hâm mộ lo lắng cho sức khỏe của mình trong những lần xuất hiện với bộ dạng thừa cân, biểu hiện thiếu tỉnh táo.
Nếu một cầu thủ đương đại có lối sống hoan lạc như Maradona, chắc chắn anh ta sẽ bị dư luận, truyền thông và mạng xã hội dìm xuống bùn đen. Nhưng Maradona là một ngoại lệ. Khi thông tin ông tạ thế ở tuổi 60 lan ra, từ các ngôi sao bóng đá như Ronaldo, Ronaldinho, Cristiano Ronaldo, Messi, Zlatan Ibrahimovic hay Kylian Mbappe… cho đến người hâm mộ đều chung cảm giác tiếc thương. Kình địch số một về bóng đá của Argentina là Brazil đăng tải thông điệp chia buồn trong khi Tổng thống Argentina tuyên bố để Quốc tang ba ngày – một đặc ân hiếm thấy trong lịch sử mà quốc gia này chỉ từng dành cho vợ chồng nguyên thủ Domingo và Evita Peron. Tổng thống đương nhiệm Alberto Fernandez khẳng định: “Maradona chỉ đem tới cho người Argentina niềm vui. Maradona là Argentina!”.
Đội bóng cũ của Maradona là Napoli chia sẻ: “Cả thế giới chờ đợi chúng tôi lên tiếng, nhưng chẳng từ ngữ nào có thể diễn tả nổi nỗi đau chúng tôi đang trải qua. Bây giờ là thời gian để đau buồn”. Từ Naples đến Buenos Aires, người hâm mộ đổ ra đường, mặc chiếc áo số 10 và hát vang những bài ca tri ân Maradona. Đạt tới sự tôn sùng như một vị Thánh đến vậy sau một cuộc đời với nhiều lỗi lầm, chỉ mình Maradona làm được.
Để lý giải cho sự si mê đến cuồng si của những người yêu mến Maradona, nhà báo Luciano de Crescenzo từng nhận định: “Trong thần thoại Hy Lạp, thần mặt trời Apollo đại diện cho lý lẽ, còn thần rượu nho Dionysus đại diện cho cảm xúc, sự hoan hỉ. Những ai từng biết Maradona đều hiểu rằng ông là phiên bản tệ nhất của Apollo nhưng là những gì rực rỡ nhất của Dionysus”. Maradona đem tới sự thăng hoa trên sân cỏ cho những người hâm mộ và ở chiều ngược lại là sự phẫn nộ của đối thủ. Ngày nay, nhiều tờ báo Anh đăng tải thông tin về sự ra đi của ông kèm theo bức ảnh Maradona dùng tay đấm bóng vào lưới thủ thành Peter Shilton trong trận tứ kết World Cup 1986.
Tờ Daily Star thậm chí còn đưa thông điệp lên trang bìa: “VAR đã ở đâu khi chúng ta cần nó nhất?”. Đã 34 năm trôi qua nhưng người Anh chưa quên được tiểu xảo của Maradona, cho thấy ấn tượng sâu đậm mà ông để lại. Với Maradona, một là yêu đến mức sùng bái, hai là ghét cay ghét đắng chứ không có thái độ trung lập. Ông sẵn sàng phát ngôn bạt mạng, hành xử như mình muốn thay vì chọn làm một cựu danh thủ với hình ảnh an toàn như một chính khách. Maradona luôn yêu ghét rõ ràng, không có sự thỏa hiệp. Như chính ông từng tuyên bố: “Tôi sẽ chỉ là Trắng hoặc Đen, chứ cả đời này sẽ chẳng có màu Xám”.
Người hùng Mexico 1986
Những tranh cãi về Maradona chủ yếu xoay quanh đời tư ồn ào, nhiều tai tiếng của ông. Còn về tài năng, ngay cả những người giỏi nhất cũng phải kính nể. Là đối trọng của Maradona khi còn chơi bóng tại Italy nhưng Michel Platini cũng không tiếc lời khen ngợi: “Những gì Zinedine Zidane có thể làm với trái bóng, Maradona có thể làm được với quả cam!”. Cựu chủ tịch FIFA Joseph Blatter chia sẻ: “Màn trình diễn phi thường của cậu ấy tại Mexico 86 sẽ sống mãi trong ký ức của những người yêu bóng đá, bao gồm cả tôi. Còn ký ức sống động nhất của tôi về Diego là tại giải U20 World Cup năm 1979 tại Nhật Bản. Cậu nhóc với tài năng thiên phú này khiến khán giả há hốc mồm mỗi khi chạm bóng”.
Giải đấu U20 World Cup năm đó tới chỉ một năm sau khi Maradona bị HLV Cesar Menotti loại khỏi đội hình dự World Cup 1978 vì còn quá trẻ. Đó là giải đấu mà Argentina lần đầu vô địch thế giới, còn Mario Kempes trở thành người hùng với danh hiệu Vua phá lưới. Ít ai nghĩ được rằng chàng trai bị loại khỏi đội hình năm ấy sẽ trở thành trụ cột “gánh team”, đưa Argentina tới chức vô địch lần thứ hai với sự tỏa sáng cá nhân vô tiền khoán hậu tại một kỳ World Cup.
Gạt bỏ đi nỗi thất vọng tại World Cup 1982 khi bị loại sớm từ vòng bảng thứ hai và bị bắt chết bởi Claudio Gentile của Italy, “Cậu bé Vàng” tỏa sáng rực rỡ trên đất Mexico với năm bàn thắng và năm pha kiến tạo. Những gì “Maradona nhất” đều được thể hiện trong trận tứ kết gặp Anh với một cú đúp lịch sử. Những thái cực đối nghịch Ác quỷ và Thiên thần, Kẻ ma mãnh và Thiên tài, Yêu và Ghét được thể hiện trong cùng một trận đấu. Nếu như “Bàn tay của Chúa” là bàn thắng gây tranh cãi nhất lịch sử, thì bàn thắng thứ hai được ghi bốn phút sau là đẹp nhất trong các kỳ World Cup.Video Player is loading.ReplayHiện tại 2:09/Thời lượng 2:09Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình10 bàn thắng đẹp nhất của Maradona.
Nhận bóng từ giữa sân, Maradona rê dắt khéo léo qua năm cầu thủ Anh – bao gồm cả thủ môn Shilton – trước khi đưa bóng vào lưới trống. Khi nhớ về trận đấu ấy, tiền đạo Gary Lineker cho biết “bàn thắng thứ hai đẹp và khó tin đến mức tôi muốn vỗ tay”, trong khi hậu vệ Terry Butcher quả quyết: “Maradona là cầu thủ hay nhất tôi từng đối mặt, bỏ xa những người khác cả vạn dặm. Tất cả những gì tôi thấy trong trận tứ kết năm 1986 là lưng áo số 10 của anh ấy. Maradona có trọng tâm thấp để che bóng, có sức mạnh, tốc độ và kỹ năng chuyền bóng siêu đẳng. Ngay cả sức bật của anh ấy cũng đáng nể với một người nhỏ bé, như anh ấy đã thể hiện ở bàn thắng đầu tiên”.
Phẩm chất thiên tài của Maradona còn khiến cả người đồng đội Jorge Valdano ngỡ ngàng. Ông từng chia sẻ với FIFA: “Diego đã xin lỗi tôi sau cú solo ấy. Anh ấy nói rằng đã nhìn ra tôi không bị kèm ở góc xa nhưng không tìm được khoảng trống để chuyền bóng cho tôi. Sự thật là tôi cảm thấy bị xúc phạm về mặt nghề nghiệp. Ý tôi là kể cả trong một pha độc diễn ở tốc độ nhường ấy, anh ấy vẫn kịp nhìn lên và biết vị trí của tôi. Với tư cách cầu thủ, tôi chẳng là gì nếu so với Diego”.
Ấn tượng về màn trình diễn trước Anh lớn đến nỗi nhiều người quên rằng Maradona cũng chơi tuyệt hay trước Bỉ tại bán kết năm ấy. Hình ảnh một dàn cầu thủ Bỉ đứng đối đầu Maradona thường được sử dụng thực tế là góc chụp từ một pha đá phạt tạo cảm giác cần đến sáu cầu thủ đối phương để ngăn chặn cầu thủ số 10. Nhưng thực tế cũng không khác là mấy, khi Maradona tiếp tục lập cú đúp đưa Argentina vào chung kết gặp Tây Đức. Trận đó, ông không trực tiếp ghi bàn, nhưng tung ra đường chuyền quyết định cho Jorge Burruchaga ấn định tỷ số chung cuộc 3-2.
Lịch sử World Cup từng chứng kiến những cá nhân tỏa sáng rực rỡ như Garrincha, Pele hay Roberto Baggio, Ronaldo sau này. Nhưng hiếm chức vô địch World Cup nào in đậm dấu ấn của một cá nhân như Maradona tại World Cup 1986. Ở tuổi 26, ông đặt cả thế giới bóng đá dưới chân mình và hoàn thiện giấc mơ năm 17 tuổi từng được bộc bạch trong cuộc phỏng vấn truyền hình: “Tôi có hai giấc mơ: một là được chơi tại World Cup và hai là giành chức vô địch”.
Năm 1990, ông một lần nữa trở thành niềm cảm hứng chính đưa Argentina dự trận chung kết World Cup thứ hai liên tiếp. Lần này, người Đức giành chiến thắng với bàn thắng duy nhất từ chấm phạt đền của Andreas Brehme. Bốn năm sau, một Maradona 33 tuổi, tăng cân thấy rõ vẫn là niềm cảm hứng chính của Argentina với một dàn những ngôi sao mới Gabriel Batistuta hay Diego Simeone. Với Maradona trong đội hình, Argentina thắng dễ Hy Lạp và Nigeria. Nhưng khi ông bị trục xuất khỏi giải đấu tại Mỹ vì dương tính với chất doping, Argentina thất bại trong trận cuối gặp đội bóng cửa dưới Bulgaria và bị loại ngay từ vòng 1/8 bởi Romania.
Ít ai nghĩ rằng sự nghiệp hiển hách kéo dài 17 năm tại đội tuyển Argentina của Maradona sẽ kết thúc bằng cảnh được nữ y tế hộ tống vào đường hầm để kiểm tra nước tiểu sau trận gặp Nigeria. Trong 17 năm ấy, Maradona đã tham dự bốn kỳ World Cup và giúp Argentina một lần vô địch, một lần về nhì.
Cậu bé Vàng bất tử
Ánh hào quang World Cup là hệ quy chiếu bị đặt ra đối với bất kỳ hậu bối nào trên tuyển Argentina. Siêu sao tấn công tiến gần nhất tới một chức vô địch World Cup sau thời Maradona là Messi tại giải đấu năm 2014. Argentina thất bại ở chung kết và Messi tiếp tục sống dưới cái bóng Maradona. Nhưng ngay từ đầu, người Argentina đã yêu mến Maradona hơn Messi. Những vinh quang của Messi tới chủ yếu trong màu áo Barca và anh thậm chí chưa từng chơi bóng chuyên nghiệp cho một đội bóng quê nhà do chuyển tới sống tại Tây Ban Nha từ năm 14 tuổi.
Đó là xuất thân khác hẳn Maradona – đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó, mài dũa kỹ năng bằng cách tâng cuộn giẻ vo tròn từ nhà tới trường và thường xuyên biểu diễn tâng bóng cho khán giả giữa các trận đấu tại giải vô địch Argentina. Eldo Gonzalez – một chủ quán bar người Argentina – nhận định: “Maradona có sợi dây liên kết với những người nghèo nhất ở đất nước này. Ông ấy luôn kể những câu chuyện cha phải làm việc vất vả để mình có thể chơi bóng và chỉ đủ tiền uống trà nước. Maradona cũng bắt đầu sự nghiệp ở Argentina trước khi xuất ngoại. Tôi vẫn nhớ cảm giác xem ông ấy ra sân cho Argentinos Juniors.”
“Ở đây, chúng tôi sớm biết đến Maradona và nhìn ông ấy chơi hay dần lên qua từng ngày. Trong khi đó, Messi chỉ được biết tới khi đã là Messi – một sản phẩm hoàn thiện. Và Maradona luôn thể hiện tình yêu khi được chơi bóng cho đội tuyển. Ông ấy từng ra sân dù trong tình trạng xích mích với Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Argentina, chấn thương cổ chân hay vừa thi đấu ở châu Âu ngày hôm trước”
Nếu nhìn lại những thành tích trong sự nghiệp Maradona, các con số thống kê không quá ấn tượng. Ở cấp CLB, ấn tượng nhất của ông là hai chức vô địch Serie A cùng một lần đăng quang UEFA Cup với Napoli. Tại Boca Juniors và quãng thời gian ngắn ngủi ở Barcelona, ông có thêm một chức vô địch Primera của Argentina và Cúp nhà Vua, Siêu cúp Tây Ban Nha năm 1983. Đến cuối sự nghiệp, Maradona phiêu bạt tại Sevilla trước khi trở về quê nhà chơi cho Newell’s Old Boys và treo giày trong màu áo Boca Juniors.
Nhưng nói về tầm ảnh hưởng, hiếm ai làm được như Maradona. Ông là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử hai lần phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng thế giới, lần đầu khi chuyển tới Barcelona với giá 5 triệu bảng và lần tiếp theo là khi sang Napoli với mức phí 6,9 triệu bảng. Khi Maradona đặt chân tới Naples, những đại gia như Juventus hay AC Milan vẫn thống trị giải đấu. Vụ chuyển nhượng Maradona từng bị mỉa mai “thành phố nghèo nhất Italy mua cầu thủ đắt giá nhất thế giới”.
Chính Maradona là người đưa Naples lên bản đồ bóng đá Italy, đưa chức vô địch về miền Nam Italy trong thời đại cán cân quyền lực thuộc về những đội bóng miền Bắc. Sau Maradona, chẳng ai có thể dẫn dắt Napoli trở lại ngôi vương, dù là những cầu thủ tài năng như Edinson Cavani, Gonzalo Higuain hay Marek Hamsik. Tại đội tuyển Argentina, nhân tài thậm chí còn rất nhiều, nhưng hậu Maradona vẫn là một khoảng trống danh hiệu quốc tế.
60 năm cuộc đời của Maradona chứa đựng những sự kiện, cảm xúc mà nhiều người có mơ cũng chẳng thấy được. Ông đã trải qua đủ vinh quang lẫn tủi nhục, người yêu mến nhiều mà ghét cũng đông chẳng kém. Trải qua nhiều cuộc tình, nhưng tình yêu lớn nhất của Maradona vẫn luôn là trái bóng. Người ta thấy tình yêu ấy từ những đoạn phóng sự trắng đen về cậu nhóc Diego tâng bóng cho đến khi ông đã trưởng thành, là ngôi sao số một thế giới nhưng vẫn nô đùa cùng trái bóng trên mặt sân lầy lội.
Lúc sinh thời, Maradona từng nói: “Nếu tôi đang dự một đám cưới và mặc bộ đồ trắng mà thấy một trái bóng dính đầy bùn đất bay đến, tôi sẽ đỡ nó bằng ngực mà chẳng hề do dự”. Tình yêu với trái bóng và thứ cảm hứng ông giúp lan tỏa tới hàng triệu tín đồ của túc cầu giáo trên toàn cầu là di sản mà thiên tài này để lại. Maradona đầy những khiếm khuyết, nhưng ở Argentina có một tấm khẩu hiệu khiến cả HLV Pep Guardiola cũng tâm đắc: “Không quan trọng anh đã làm gì với cuộc sống của mình, Diego ạ. Điều quan trọng là những gì anh đã đem tới cho cuộc sống của chúng tôi”.
Theo VNEXPRESS