Thêm nhiều nước châu Âu áp hạn chế vì Covid-19

Hungary, Bồ Đào Nha áp hạn chế nghiêm ngặt mới để ngăn sóng Covid-19 thứ hai, khi “ánh sáng cuối đường hầm” xuất hiện ở Pháp , Đức, Bỉ .

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 9/11 công bố lệnh phong tỏa một phần đất nước bắt đầu từ 11/11 và kéo dài trong 30 ngày trong bối cảnh ca nhiễm và tử vong của đất nước lần lượt là 114.778 và 2.493. Các hạn chế bao gồm gia hạn lệnh giới nghiêm ban đêm, cấm tụ tập, đóng cửa quán bar, nhà hàng, địa điểm văn hóa, trong khi các trường đại học chuyển sang học trực tuyến.

Hungary ghi nhận 5.000 ca nhiễm mới hôm 9/11 với tỷ lệ bình quân đầu người cao thứ tư ở Liên minh châu Âu (EU), và hơn 6.000 bệnh nhân phải nhập viện. Gần 4.150 người đang thở máy, gần bằng công suất 4.480 giường chăm sóc đặc biệt của cả nước.

Bồ Đào Nha áp đặt tình trạng khẩn cấp và ra lệnh cho khoảng 70% dân số ở nhà vào các đêm trong tuần từ 23h đến 5h hôm sau trong hai tuần tới. Người dân chỉ được ra khỏi nhà vào buổi sáng cuối tuần cho đến 13h, trừ khi để mua đồ cần thiết.

Tại Italy, quốc gia ghi nhận 960.373 ca nhiễm và 41.750 ca tử vong, chính phủ tuần trước áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc cũng như các biện pháp cứng rắn hơn ở 4 khu vực, đóng cửa hầu hết các cửa hàng, quán bar, nhà hàng và hạn chế việc đi lại của người dân.

“Tôi e rằng tình hình phần lớn đã nằm ngoài tầm kiểm soát”, Massimo Galli, người đứng đầu khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Sacco nổi tiếng của Milan, cho biết. Ông đồng thời ủng hộ lời kêu gọi của liên đoàn y tế quốc gia về việc “phong tỏa toàn quốc”.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở tây bắc Paris, Pháp hôm 9/11. Ảnh: AFP.

Nga ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục hôm 9/11, với các ca nhiễm ở Moskva cao nhất kể từ tháng 5, nâng tổng ca nhiễm lên 1.796.132, trong đó 30.793 người đã chết. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho đến nay loại trừ việc áp dụng lại các hạn chế sâu rộng được dỡ bỏ hồi đầu năm.

Thống kê chính thức cho thấy ca nhiễm mới hôm 9/11 đạt 21.798, gần gấp đôi kỷ lục trong đợt đầu tiên của đất nước. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết sự gia tăng ổn định trong các trường hợp “vẫn ở mức đáng báo động”, nhưng lưu ý “không phải tất cả các quốc gia đều phong tỏa”.

Ở những nơi khác, tia hy vọng le lói đã xuất hiện. Giới chức Bỉ cho biết họ tin đợt nhập viện do sóng Covid-19 thứ hai đã lên đến đỉnh điểm, với khoảng 400 người nhập viện vào 8/11, so với 879 người vào ngày 3/11. Nhà virus học Yves Van Laethem cho biết số ca nhập viện đã đạt đỉnh điểm, trong khi ca nhiễm mới hàng ngày cũng giảm khoảng 40% so với mức trung bình 7 ngày trước.

Bỉ, từng ghi nhận ca hàng ngày trên đầu người cao nhất ở châu Âu hồi tháng trước, đã quay trở lại tình trạng phong tỏa một phần, đóng cửa các cửa hàng, quán bar và nhà hàng không thiết yếu và kéo dài kỳ nghỉ giữa kỳ của các trường học.

Ca nhiễm ở Cộng hòa Czech, quốc gia có tỷ lệ nhiễm cao nhất châu Âu trong những tuần gần đây, cũng bắt đầu giảm sau hai tháng tăng kỷ lục. Nước này báo cáo 3.600 ca mới hôm 8/11, mức hàng ngày thấp nhất trong 4 tuần và ít hơn 3.000 so với một tuần trước.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết có những dấu hiệu ban đầu cho thấy sự gia tăng ca nhiễm ở Đức cũng đang giảm dần, dù ông nói thêm rằng điều đó sẽ chỉ trở nên rõ ràng vào cuối tuần này liệu các hạn chế áp dụng vào tuần trước có hiệu quả hay không.

Tại Pháp, quốc gia tuần trước tái áp đặt phong tỏa toàn quốc trong khi vẫn giữ các trường học và doanh nghiệp cần thiết mở cửa, Bộ trưởng Y tế, Olivier Véran nói rằng có dấu hiệu ban đầu các biện pháp có thể được bắt đầu để làm chậm sự gia tăng mới nhất.

Theo Véran, số ca nhiễm sẽ bùng lên”nhanh hơn và mạnh hơn”, trong khi Martin Hirsch, giám đốc 39 bệnh viện thuộc hệ thống y tế khu vực Paris, cho biết đã có “bắt đầu có sự sụt giảm” số ca nhập viện, khoảng 80 ca một ngày so với 110 của tuần trước.

Tình hình tại các bệnh viện Pháp vẫn còn tồi tệ, với các khu cấp cứu gần đạt mức tối đa và một số bệnh nhân bị ốm phải được sơ tán từ các bệnh viện đang gặp khó khăn đến những bệnh viện khác còn chỗ.

Ca nhiễm tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, cũng tăng mạnh trở lại. Nước này ghi nhận 10.409.738 ca nhiễm và 244.389 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 113.471 và 582.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cho biết Covid-19 sẽ là mối quan tâm hàng đầu của ông. Biden hôm 9/11 đã công bố nhóm chuyên trách chống Covid-19 do cựu tổng y sĩ Vivek Murthy, cựu ủy viên Cơ quan Kiểm soát Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) David Kessler và tiến sĩ Marcella Nunez-Smith từ Đại học Yale dẫn đầu.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 37.211 ca nhiễm và 451 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 8.591.075 và 127.104.

Đại dịch đã lây lan rộng khắp đất nước 1,3 tỷ dân, từ các thành phố lớn như thủ đô New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai, đến những vùng nông thôn và địa phương khác. Nhiều quan chức cấp cao nước này cũng nhiễm virus, như Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah hay Thống đốc Ngân hàng Trung ương Shaktikanta Das.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 231 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 162.628. Số người nhiễm nCoV tăng 10.917 trong 24 giờ qua, lên 5.675.032.

Thống kê cho thấy số liệu về nCoV của Brazil đang trên đà giảm sau khi tăng vọt hồi giữa năm. Dù vậy, quá trình giảm này diễn ra chậm hơn so với các nước châu Âu và châu Á, đồng nghĩa với việc Brazil có thể chưa vượt qua đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc chữa thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 12 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 738.525 ca nhiễm và 19.845 ca tử vong, tăng lần lượt 1.247 và 36 ca.

Nền kinh tế phát triển nhất châu Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 38.749 người chết, tăng 458, trong tổng số 692.949 ca nhiễm, tăng 10.463. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 440.569 ca nhiễm, tăng 2.853 so với hôm trước, trong đó 14.689 người chết, tăng 75ca. Philippines báo cáo 398.449 ca nhiễm và 7.647 ca tử vong, tăng lần lượt 2.058 và 108 ca.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới , Tedros Ghebreyesus, cho biết các quốc gia phải đoàn kết để chống lại virus. “Chúng ta có thể mệt mỏi với Covid-19, nhưng nó không mệt mỏi với chúng ta”, ông nói. “Chúng ta không thể nhắm mắt và hy vọng nó biến mất. Nó không chú ý đến các luận điệu chính trị hoặc các thuyết âm mưu. Hy vọng duy nhất của chúng ta là khoa học, giải pháp và sự đoàn kết”.

Hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech hôm 9/11 công bố vaccine của Pfizer đạt hiệu quả phòng ngừa trên 90% số người tham gia. Tác dụng được xác nhận chỉ 7 ngày sau mũi tiêm thứ hai. Nói cách khác, cơ thể con người có thể được bảo vệ khỏi nCoV 28 ngày sau lần tiêm phòng đầu tiên.

Theo Giám đốc điều hành Pfizer, tiến sĩ Albert Bourla, Pfizer đang dần chạm tới cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển, khi thế giới đang cần vaccine nhất. Với tỷ lệ hiệu quả đạt hơn 90%, nhân loại đang tiến gần hơn một bước trên con đường mang lại đột phá cho người dân, kết thúc cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Huyền Lê (Theo GuardianWorldometer) (theo vnexpress.net).

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *