Kế hoạch mới có thể giúp kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ trong 10 năm
Tuần này, giới chức Trung Quốc sẽ họp bàn để vạch ra giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc được dự báo tập trung vào đột phá công nghệ, tự chủ kinh tế và môi trường trong lành hơn. Quan chức nước này cũng sẽ đặt mục tiêu cho 15 năm tới, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn hiện thực hóa cam kết cải tổ bằng cách giành vị trí dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và các ngành chiến lược khác. Hội nghị của Trung Quốc là sự kiện kín và kéo dài đến thứ Năm.
Nếu kinh tế Trung Quốc – vốn đang phục hồi khá nhanh sau đại dịch – có thể duy trì được quỹ đạo tăng trưởng vài năm gần đây, họ sẽ vượt Mỹ trong thập kỷ tới. Viễn cảnh về khả năng xung đột với Mỹ ngày càng cao sẽ củng cố chiến lược của ông Tập – giúp Trung Quốc tránh ảnh hưởng từ biến động kinh tế toàn cầu.
“Điều này phản ánh Trung Quốc đã đánh giá lại một cách thực tế về môi trường toàn cầu hiện tại”, Fred Hu – nhà sáng lập Primavera Capital cho biết, “Tự chủ là phát triển được năng lực nội địa thông qua đầu tư vào R&D và đột phá. Đây là nước đi cần thiết và thận trọng trước các bất ổn bên ngoài”. “Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa Trung Quốc sẽ từ bỏ chính sách mở cửa lâu nay của họ và hướng nội hoàn toàn”, Hu giải thích.
Ông Tập và các lãnh đạo khác của Trung Quốc gần đây khẳng định nền kinh tế sẽ mở cửa hơn nữa với đầu tư và cạnh tranh từ nước ngoài. Điều này cho thấy họ lo ngại về cách thế giới đánh giá các chiến lược tương lai của mình. Trong một bài phát biểu tại Thâm Quyến tháng này, ông Tập cam kết đẩy mạnh đột phá công nghệ, nhưng xoa dịu thông điệp này bằng nhấn mạnh ông muốn có “một hệ thống kinh tế mở cửa mới”.
Mong muốn có các kế hoạch mới đã trở thành tâm điểm mâu thuẫn mới nhất giữa Trung Quốc với Mỹ và nhiều nước khác. Sáng kiến Made in China 2025 trước đó đã gặp khó khi khiến nhiều quan chức có quan điểm cứng rắn về thương mại trong chính quyền Trump phản đối. Nó cũng khiến châu Âu và nhiều nền kinh tế khác không thoải mái trước nguy cơ thất thế khi cạnh tranh tăng cao.
Ngày càng nhiều nền kinh tế, từ Mỹ đến Australia ủng hộ việc ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chiến lược. Lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đã được cả hai viện ủng hộ. Giới chức Trung Quốc còn lo ngại ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden có thể còn làm mạnh tay hơn, bằng cách tập hợp các đồng minh để cùng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.
Theo Chen Zhiwu – Giám đốc Viện Toàn cầu châu Á tại Đại học Hong Kong, đó chính là lý do vì sao các kế hoạch mới “sẽ không rõ ràng và chi tiết như trước đây, vì Made in China 2025 đã mang đến quá nhiều rắc rối cho Trung Quốc và khiến Mỹ ngày càng có thái độ thù địch”. “Tôi cho rằng họ sẽ chỉ tập trung vào vài chỉ đạo chung chung, còn phần nội dung chi tiết sẽ rất mơ hồ”, Chen nói.
Giới chức Trung Quốc thì luôn khẳng định điều gì tốt cho Trung Quốc thì cũng tốt cho thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết một phần ba lợi nhuận của Mercedes Benz quý III là từ Trung Quốc. Doanh số bán vé tại các rạp phim Trung Quốc cũng vượt 2 tỷ USD, lần đầu cao hơn Bắc Mỹ năm nay.
Điều này chứng tỏ thị trường khổng lồ của Trung Quốc tạo ra “lực đẩy bền vững cho tăng trưởng kinh tế của cả Trung Quốc và thế giới”, Zhao cho biết.
Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khẳng định điều này. Tính toán của Bloomber dựa trên các ước tính mới nhất cho thấy Trung Quốc sẽ là động cơ tăng trưởng lớn nhất thế giới trong các năm tới. Không như các nước khác, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới được dự báo tăng trưởng dương năm nay, sau khi giới chức mạnh tay kiềm chế đại dịch.
Dù vẫn, số nước coi các hãng công nghệ của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia cũng ngày càng tăng. Một số còn hợp tác với nhau để không còn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Các công ty toàn cầu cũng đang đánh giá lại chuỗi cung ứng, sau các báo cáo về lao động cưỡng ép và chính sách với Hong Kong.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế đang khiến Trung Quốc chuyển hướng tập trung tăng trưởng về trong nước. Đến nay, thuế nhập khẩu và các lệnh trừng phạt có tác động rất nhỏ trong việc thay đổi hành vi của nước này. Họ cũng đang soạn thảo một danh sách các thực thể nước ngoài không đáng tin cậy, có hoạt động tại Trung Quốc. Gần đây, động thái nhắm vào hàng xuất khẩu Australia cho thấy Trung Quốc sẵn sàng trả đũa nếu cảm thấy quyền lợi bị đe dọa.
Hu cho rằng sự thận trọng của các nước khác sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài. Các khoản đầu tư do chính phủ hỗ trợ sang các thị trường như Mỹ, Anh hay Australia đang bị thu hẹp lại. Tham vọng với các dự án, như Vành đai và Con đường, cũng sẽ được đánh giá lại.
Các kế hoạch 5 năm gần đây của Trung Quốc đều tập trung vào tái cấu trúc ngành công nghiệp và duy trì tốc độ tăng trưởng từ trung bình đến cao. Truyền thông nước này cho biết Trung Quốc có thể giảm mục tiêu GDP trong kế hoạch sắp tới, do đang chuyển hướng sang tăng trưởng chất lượng cao. Dù kết quả bàn thảo sẽ được thông báo sau kỳ họp, tài liệu chi tiết phải đến tháng 3 năm sau mới được công bố.
Wang Tao – kinh tế trưởng tại UBS Group cho rằng việc thực hiện cùng lúc 2 mục tiêu – vừa tự chủ kinh tế, vừa hưởng lợi từ toàn cầu hóa – sẽ là một thách thức với Trung Quốc. “Trung Quốc đang đối mặt với môi trường bên ngoài ngày càng nhiều thách thức”, bà đánh giá, “Trong tương lai, họ sẽ phải tham vọng hơn trong việc cải tổ nội địa và mở cửa”.
Theo Vnexpress