APC và mối lo ngại về cổ đông chiến lược vốn 17 triệu đồng
Việc phát hành cp riêng lẻ với giá “hời” cho đối tác sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông hiện hữu đối với LNST chưa phân phối rất lớn của công ty.
Cổ phiếu APC của Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú là cái tên được nhắc nhiều trong thời gian qua khi có chuỗi phiên trần sàn khó hiểu. Nhiều vấn đề của doanh nghiệp được các nhà đầu tư quan tâm, trong đó đáng chú ý là việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.
Lộ diện cổ đông chiến lược có vốn điều lệ 17 triệu đồng?
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 vừa qua của APC, các cổ đông đã chất vấn nhiều vấn đề nội tại cũng như chiến lược của công ty, trong đó khúc mắc về cổ đông chiến lược Torus Capital Investments Pte.Ltd. được nhiều cổ đông đặt ra cho đoàn Chủ tịch.
Sau nhiều lần trả lời “né tránh”, Chủ tịch HĐQT Võ Thùy Dương cho biết Torus là tổ chức đầu tư tài chính tại Singapore, họ sẽ giúp cho công ty tìm kiếm các khàng hàng FDI và mong muốn tham gia vào ban lãnh đạo.
Chưa thỏa mãn trước câu trả lời trên, một cổ đông đã sau đó đã xin chia sẻ về thông tin về đối tác Torus Capital. Theo vị cổ đông này, sau khi liên hệ với cơ quan chức năng bên Singapore thì xác định được Torus là một công ty tư nhân trách nhiệm hữu hạn với vốn điều lệ chỉ 1.000 đô la Singapore (SGD) do bà Trần Hạnh Hoa sở hữu 100% vốn.
Thực hiện phép tính theo tỷ giá SGD/VND hiện nay khoảng trên 17.000 đồng thì vốn điều lệ của Torus tính theo Việt Nam đồng chỉ hơn 17 triệu đồng; với khả năng tài chính như vậy liệu đối tác có thể hỗ trợ được công ty không?
Chưa hết, theo tìm hiểu thì Torus cũng chỉ được thành lập vào ngày 28/9/2017. Trụ sở công ty được đặt tại SIF Building, Robinson, Singapore với 4 nhân viên. Như vậy, cổ đông chiến lược của APC là doanh nghiệp mới có “6 tháng tuổi”.
Câu chuyện có lẽ đã kết thúc khi Đại hội đã không thông qua tờ trình số 14 về phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Torus. Tuy nhiên việc bổ sung tờ trình số 18 về phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu riêng lẻ ngay tại Đại hội đã gây nhiều tranh cãi.
Nội dung tờ trình này là phát hành 3 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện 4:1 với giá chào bán 20.000 đồng/cp. Đồng thời chào bán 3 triệu cp riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư với giá tối thiểu 20.000 đồng/cp, tuy nhiên đối tác dự kiến vẫn là Torus Capital với tỷ lệ sở hữu dự kiến sau phát hành là 16,85%.
Do vậy, có hay chăng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ có lẽ đã bị biến tướng và lồng ghép vào phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chỉ khác nhau ở số lượng chào bán đã giảm phân nửa?
Lo ngại phải chia sẻ LNST chưa phân phối
Trong năm 2017 qua, APC đạt mức lợi nhuận cao với 66,3 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm phần lớn nguồn vốn với 143 tỷ đồng. Với “của để dành” chiếm tỷ trọng cao như vậy thì việc phân phối lợi nhuận này rất được các cổ đông quan tâm.
Do đó khi công bố thông tin về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược với giá 20.000 đồng/cp (thấp hơn nhiều so với thị giá của APC), mối lo ngại về việc phải chia sẻ khoản LNST chưa phân phối lớn kia là hoàn toàn hợp lý.
Mặc dù tờ trình số 14 đã không được thông qua nhưng vẫn còn đó phương án phát hành 3 triệu cp riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư vẫn với giá tối thiểu 20.000 đồng/cp, điều này đặt ra nhiều lo ngại về quyền lợi của cổ đông hiện hữu.
Do vậy đã có cổ đông lên tiếng lo ngại về sự pha loãng tỷ lệ sở hữu dẫn đến LNST chưa phối của cổ đông hiện hữu sẽ bị mất đi. Việc sử dụng khoản lợi nhuận này để chia thưởng cho cổ đông hiện hữu hoặc đầu tư phát triển là phương án phù hợp hơn.
Ôm dự án lớn?
Một điểm bất thường khác trên BCTC của APC đó là khoản trả trước người bán ngắn hạn tăng đột biến từ 83 triệu đồng lên 79 tỷ đồng và đơn vị nhận khoản trả trước của An Phú cũng là một doanh nghiệp được thành lập chỉ hơn 3 tháng trước khi chốt sổ năm 2017.
Theo thuyết minh báo cáo kiểm toán 2017, APC ghi nhận khoản trả trước cho Corpex Asia Ltd với giá trị hơn 75 tỷ đồng và đây là khoản trả trước cho đối tác trong 3 tháng cuối năm 2017.
Cũng giống như Torus Capital thì Corpex Asia Ltd là một công ty mới được thành lập ở Hong Kong từ ngày 25/8/2017 và có tuổi đời gần 7 tháng.
Về vấn đề này, đại diện của APC có trình bày về phương án hợp tác với Corpex Asia để chuyển giao công nghệ và mua nguyên vật liệu phục vụ cho dự án Nhà máy chiếu xạ An Phú – Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 693 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi tiết về chuyển giao và mua nguyên vật liệu chưa được Chủ tịch APC trình bày rõ. Thông tin về đối tác Corpex Asia cũng được nhiều cổ đông chất vất nhưng chưa được Đoàn Chủ tịch trả lời.
Cùng với dự án chiếu xạ tại Bắc Ninh thì APC cũng lên phương án đầu tư dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ chiếu xạ – TP.HCM (APIRA) tại quận 9, TP.HCM với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 1.324 tỷ đồng.
Việc đầu tư 2 dự án lớn này sẽ “ngốn” một lượng tiền rất lớn của APC và vượt quy mô của công ty khi tổng tài sản cuối năm 2017 chỉ đạt hơn 300 tỷ đồng. Còn việc vay nợ sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng tài sản, khiến công ty chịu thêm khoản chi phí tài chính.
Do đó, việc ôm 2 dự án này sẽ có những rủi ro nhất định đối với công ty và các cổ đông đã kiến nghị công ty nên tập trung vào các dự án vừa cỡ để đạt sự tăng trưởng bền vững hơn.
Theo Ngân Trần
NDH