Nữ CEO Nguyễn Ngọc Mỹ: “Tôi nhận ra mình không thể trở thành phiên bản thứ hai của bố, tôi quyết định sẽ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”!
“Tôi luôn nghĩ mình là người may mắn. May mắn bởi tôi nhìn cuộc sống với một lăng kính tích cực, nhìn những khó khăn trong công việc như một cơ hội để hoàn thiện, và thử thách trong cuộc sống như một bậc thang. Cũng giống như khi leo núi, nếu thấy càng đi càng mệt, tức là bạn đang đi lên”.
“Tôi cho rằng, mỗi một người sinh ra có một sứ mệnh, và nếu các bạn chưa biết sứ mệnh của mình là gì, thì cũng không sao cả. Trước mắt, hãy làm tốt những nhiệm vụ hiện tại: Một người con có hiếu, một người bạn tốt, một nhân viên cần mẫn… Tôi có nhiều danh xưng, nhưng có lẽ tôi chỉ thực sự thoải mái khi mọi người gọi tôi là Ngọc Mỹ hay tên tiếng Anh là Sylvia. Từng danh xưng một không nói được với bạn tôi là ai, hãy để chúng ta hiểu về nhau không dưới vai “ái nữ”, Tổng Giám đốc, doanh nhân F2, Lãnh sự danh dự, Thành viên HĐQT, sếp… Tôi khẳng định, có rất nhiều thứ về mình ngoài những danh xưng, nhưng ở vai nào, tôi cũng sẽ làm tròn trách nhiệm của mình.
Lần đầu tiên, tôi ký một hợp đồng tín dụng lớn, một người chị nói: Chỉ là một chữ ký thôi mà. Khi tôi nhậm chức, nhiều người nói: Chỉ là cái ghế thôi mà. Nhiều lúc, ghế cũng nóng, tay ký cũng run. Sức nặng của cái ghế, của bản hợp đồng, là bạn là người ngồi đó để chịu trách nhiệm. “Muốn ngồi vị trí không ai ngồi được, thì phải chịu được cảm giác không ai chịu được.”
Người ta nói, càng ở vị trí cao càng cô độc, cũng có phần đúng vì họ không ngồi ở cái ghế ấy, nên cũng không bắt họ hiểu được cảm xúc của mình. Nhưng tôi không thấy cô đơn. Những người không ngồi cái ghế của mình, họ còn những cái ghế của riêng họ, áp lực và những cái gánh nặng của họ mà ta có thể đồng cảm, thấu hiểu, dẫn đến chia sẻ. Trong cuộc sống, tôi tin rằng về bản chất con người chúng ta không quá khác nhau. Nếu mình không giúp gì được cho ai, thì cũng không nên làm tổn thương tới họ.
Điều quan trọng là mình hiểu được quy luật của mọi thứ, có lúc thăng cũng có lúc trầm, có lúc tốt cũng có lúc xấu. Doanh nhân là những người sinh ra để giải quyết những vấn đề khó: Khó của thị trường, của khách hàng, của tổ chức… và để làm được như vậy, trước hết chúng ta cần giải quyết được vấn đề của bản thân.
Tôi rất tâm đắc một câu nói của Eleanor Roosevelt: “Lãnh đạo bản thân bằng lý trí, và lãnh đạo người khác bằng trái tim.” Vận dụng điều này trong cuộc sống và công việc, tôi cảm thấy nó phù hợp với mình.
Nhiều năm đầu tiên khi mới bắt đầu, tôi luôn cố gắng hoàn thiện mình và so sánh mình với người khác. Ngày hôm nay, tôi chỉ so sánh mình với mình ngày hôm qua. Có một điều đáng nói ở đây là xung quanh chúng ta có rất nhiều hình mẫu đàn ông thành đạt, trong mọi lĩnh vực từ nghệ thuật, chính trị, đến kinh doanh. Những hình mẫu phụ nữ ít hơn, nhưng không phải là không có.
Ngày tôi nhận ra mình không thể trở thành phiên bản thứ hai của bố, tôi quyết định tôi sẽ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Không có sự quyết liệt, giọng nói to vang của đàn ông, tôi dùng tiếng nói sâu lắng, sự bền bỉ của người phụ nữ.
Tôi làm việc nhiều với các bạn trẻ, và hy vọng rằng các bạn hiểu không có một công thức nào cho hình mẫu một người thành công, nam hay nữ. Các bạn được quyền, và có thể lựa chọn cách đi của mình. Bác sỹ tốt không làm cho mình khoẻ, thầy giáo tốt không làm cho mình giỏi. Kết quả cuối cùng luôn phụ thuộc ở cá nhân, bạn muốn gì, và sẵn sàng làm gì để đạt được điều đó?
Những người thành công, ngoài việc có đầu óc, thì đa phần là những người hăng say trong công việc, bền bỉ với mục tiêu và kiên định với tầm nhìn. Covid-19 là nhất thời, nhưng nhu cầu là mãi mãi. Tôi nghĩ trong năm nay, tôi đã học được rất nhiều, và đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ để chuẩn bị cho tôi đối mặt tốt hơn với những thách thức trong tương lai.
Tôi học được cách thay đổi tư duy bản thân, để thay đổi tư duy tổ chức, sẵn sàng và linh hoạt trong mọi trường hợp, để mảng bất động sản không đóng băng trong thời kỳ Covid-19. Tôi học được rằng, khi khó khăn ngắn hạn, ai ai cũng quay trở về cứu chính mình trước, nhưng khi khó khăn dài hạn, mọi người cứu lẫn nhau, và mọi giá trị nhân văn được nâng cao khi chúng ta không chỉ tập trung vào mục tiêu kinh tế.
Đam mê của tôi là muốn giúp cho người khác đỡ cảm thấy đơn độc: những người phụ nữ trên nấc thang khẳng định mình, các em học sinh hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học, các tổ chức muốn làm thiện nguyện nhưng chưa đủ bệ phóng… Tôi đi tìm những giá trị, và đồng hành cùng nó. Thật kỳ lạ là tất cả những giá trị này cũng hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc, và kết quả kinh doanh cũng tốt lên. Có lẽ, câu chuyện “phát triển bền vững” không phải là truyền thuyết.
Tôi không biết hết các công thức. Nhưng tôi sẵn sàng lấy cuộc sống của mình để thử.
Tôi mong các bạn gái lớn lên, và nói rằng “Mình làm được.” Chặng đường chắc chắn sẽ không bằng phẳng, nhưng ít nhất các bạn sẽ không cô độc.
Tôi cũng vừa được bổ nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT của Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (Vietnam Business Coalition for Women’s Empowerment – VBCWE). Cùng với Madame Hà Thu Thanh, Madame Tôn Nữ Thị Ninh, chúng tôi hướng đến việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và phát triển quyền kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam. Bình đẳng giới, suy cho cùng, vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực để thay đổi không chỉ là ở ngọn, mà còn là gốc rễ của vấn đề: định kiến xã hội.
Thông điệp cuối cùng của tôi tới phái nữ ngày 20/10 là: Nếu bạn may mắn được ở vị trí trao quyền, hãy tiếp thêm sức và đồng hành cùng con đường thành công của những người phụ nữ khác.
Theo CafeF