Quyền lực của các đại gia công nghệ ngày càng lớn

Các hãng công nghệ, từ sản xuất điện thoại đến điều hành mạng xã hội, hiện chiếm gần 40% vốn hóa chỉ số S&P 500 của Mỹ.

Phân tích của Dow Jones Market Data cho thấy các hãng công nghệ đang trên đà kết thúc năm nay với tỷ trọng lớn chưa từng có trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hiện tại, vốn hòa ngành này đã chiếm 40% chỉ số S&P 500, vượt kỷ lục cũ là 37% năm 1999 – thời đỉnh cao bong bóng dotcom. Điều này là minh chứng mới nhất cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty này lên người tiêu dùng toàn cầu.

Chỉ riêng Apple – công ty Mỹ đầu tiên đạt vốn hóa 2.000 tỷ USD – đã chiếm 7% trong S&P 500. Đầu tháng trước, tỷ lệ này là 8% – cao nhất với bất kỳ mã nào từ năm 1998.

Dù nhiều cổ phiếu công nghệ được ưa chuộng như Apple hay Netflix gần đây bị bán ra, nhiều cái tên trong nhóm này vẫn là cổ phiếu dẫn dắt thị trường năm nay, giúp S&P 500 tăng gần 8% từ đầu năm và liên tục dao động quanh các mốc đỉnh bất chấp kinh tế đi xuống vì đại dịch. Cổ phiếu công nghệ đã đẩy thị trường lên đầu tuần này, sau đó lại kéo xuống, cho thấy tầm ảnh hưởng của nhóm này với các chỉ số chứng khoán lớn.

Các xu hướng như làm việc từ xa và điện toán đám mây càng tạo động lực cho các công ty này, giúp họ tăng trưởng bất chấp các doanh nghiệp khác lao đao. Dù vậy, việc tăng trưởng tập trung vào một nhóm nhỏ khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Họ cho rằng thị trường chứng khoán đang quá phụ thuộc vào lĩnh vực này và chỉ cần vài mã lao dốc là cả thị trường sẽ bị kéo xuống theo.

Lịch sử cho thấy sau khi một ngành nào đó đạt đỉnh về tỷ trọng trong S&P 500, việc bán tháo sẽ diễn ra. Lĩnh vực công nghệ lao dốc sau khi bong bóng dotcom vỡ vụn. Ảnh hưởng của ngành ngân hàng lên thị trường chạm đỉnh năm 2006, trước thời điểm khủng hoảng tài chính. Cổ phiếu năng lượng cũng rơi tự do sau khi chạm đỉnh mới về tỷ trọng trong S&P 500 năm 2008.

Rất ít nhà phân tích cho rằng cổ phiếu công nghệ đang bị định giá quá cao như cách đây 2 thập kỷ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng ngành này ngành càng biến động.

“Cuộc sống của chúng ta đang số hóa một cách bắt buộc”, Alison Porter – Giám đốc Danh mục Đầu tư tại Janus Henderson Investors cho biết. Bà vẫn tự tin vào các công ty công nghệ lớn nhất, nhờ tăng trưởng ổn định và cơ hội khi nhiều người phải ở nhà trong đại dịch.

Nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo tài chính quý III của các hãng công nghệ, cũng như số liệu thất nghiệp hàng tuần để đánh giá sức khỏe nền kinh tế. Vì Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói kích thích kế tiếp, nhiều nhà đầu tư vẫn ngần ngại trong việc rót tiền vào các mã liên quan trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

Howard Marks – đồng sáng lập hãng tư vấn đầu tư Oaktree Capital Group cho rằng các phương pháp tính độ đắt đỏ của cổ phiếu công nghệ đều liên quan đến lợi nhuận hiện tại. Vì thế, số liệu này có thể đánh giá thấp triển vọng của các công ty khi họ đã chi rất nhiều để thúc đẩy tăng trưởng.

Giới phân tích dự báo lợi nhuận của các hãng công nghệ trong tổng lợi nhuận doanh nghiệp thuộc S&P 500 có thể đạt 36% năm nay, FactSet cho biết. Hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) của ngành công nghệ thông tin là 28, cao hơn so với 24 của S&P 500. Con số này của các hãng dịch vụ truyền thông là 25. Riêng Apple, Microsoft, Facebook và Alphabet là hơn 30. P/E của Netflix là 90 và Amazon là gần 130.

Dù vậy, rất nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng mua cổ phiếu các hãng Internet đắt đỏ, do các công ty này tăng trưởng nhanh. “Các công ty này đã nhận được lực đẩy suốt 10 năm qua, vì tình hình kinh tế nhìn chung ảm đạm”, David Lebovitz – chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management nhận xét.

Việc phân tích sự tập trung của nhóm công nghệ trong S&P 500 dựa trên các doanh nghiệp thuộc nhóm công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông. Cả hai nhóm này đều không có Amazon, do đại gia thương mại điện tử được xếp vào nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu. Vì thế, nếu tính cả Amazon – với vốn hóa 1.600 tỷ USD – vào nhóm công nghệ, ảnh hưởng lên thị trường sẽ còn lớn hơn nhiều.

Vài tuần gần đây, Amazon và các hãng Internet lớn bị giám sát ngày càng gắt gao. Hạ viện Mỹ gần đây tuyên bố Quốc hội nên xem xét buộc các đại gia công nghệ tách riêng các nền tảng online đang thống trị với các mảng kinh doanh khác.

Rất ít nhà phân tích cho rằng các hãng công nghệ lớn nhất sẽ sớm bị chia tách. Bên cạnh đó, các động thái pháp lý thường được tiến hành khá chậm. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng thông tin này có thể là nguồn bất ổn mới cho các tuần tới.

“Điều duy nhất khiến tôi lo lắng về đà tăng của nhóm công nghệ là khả năng chính phủ can thiệp”, Jacob Walthour – CEO Blueprint Capital Advisors cho biết. Dù vậy, ông vẫn khuyến nghị khách hàng mua cổ phiếu công nghệ, thương mại điện tử và xe điện, do tiềm năng tăng trưởng lớn.

Theo Vnexpress

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *