Sản xuất tại nhiều nền kinh tế phục hồi .
Bức tranh tương tự ở châu Âu và châu Á, nơi các nhà sản xuất tiếp tục cắt giảm việc làm mặc dù đã phục hồi phần lớn hoạt động. Thất nghiệp ở khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng lên trong tháng 8, dù các chính phủ đã mạnh tay trợ cấp nhằm cứu việc làm và các doanh nghiệp.
IHS Markit cho biết PMI sản xuất khu vực đồng euro đã tăng lên 53,7 trong tháng 9 từ mức 51,7 trong tháng 8. Phần lớn tăng trưởng đó tập trung ở Đức, nơi các doanh nghiệp báo cáo doanh số xuất khẩu tăng mạnh. Đức nổi bật trong số các quốc gia giàu có nhờ sức mạnh phục hồi, hưởng lợi từ nhu cầu hồi sinh của Trung Quốc đối với máy công cụ và các hàng hóa khác.
Bất chấp sự hồi sinh về sản lượng và đơn đặt hàng, các nhà sản xuất trong khu vực đồng euro vẫn tiếp tục cắt giảm việc làm. Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu cho biết 251.000 người đã mất việc trong tháng 8, đẩy tỷ lệ thất nghiệp từ 8% lên 8,1%. Các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới khi các kế hoạch cứu trợ dần kém hào phóng hơn và một số doanh nghiệp chuẩn bị cho sự phục hồi chậm lại, vì những đợt bùng phát virus mới tiếp tục làm giảm nhu cầu.
Trên toàn cầu, những gì chúng tôi thấy là xuất khẩu dịch vụ không phục hồi nhanh như xuất khẩu hàng hóa sản xuất. Một số doanh nghiệp sẽ phá sản”, Beata Javorcik, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), nói.
Các khu vực của châu Á cũng chứng kiến tăng trưởng sản lượng của nhà máy, đáng chú ý nhất là Ấn Độ, nơi chỉ số PMI đã tăng lên 56,8 trong tháng 9, từ mức 52 trong tháng 8, do đơn đặt hàng xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, công ăn việc làm vẫn bị mất.
Hoạt động sản xuất cũng tăng tốc ở Philippines và Việt Nam, nhờ sự gia tăng đơn đặt hàng xuất khẩu. Nhưng đã có sự sụt giảm hoạt động ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia, một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và chắp vá.
Theo VNEXPRESS