Khánh thành 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa
Chiều 25/9, Bộ Y tế khánh thành hệ thống 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối.
Đến nay, sau hai tháng triển khai, Đề án khám chữa bệnh từ xa đạt 1.000 cơ sở y tế trên cả nước kết nối trực tuyến qua ứng dụng Telehealth để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sự kiện này là bước tiến lớn của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.
“Đây là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa lớn khi Chính phủ đang chỉ đạo tích cực triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số”, Thủ tướng nói tại Lễ khánh thành 1.000 điểm cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành y tế là mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước, thực hiện “bao phủ y tế toàn dân”, đồng thời hướng tới kết nối với quốc tế.
Hiện hệ thống khám, chữa bệnh từ xa đã kết nối sang Lào và Campuchia. “Tôi tin trong tương lai người dân không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh”, Thủ tướng nói.
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được ban hành ngày 22/6 với hai mục tiêu căn bản. Đó là tất cả các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục; mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.
Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới; nay mở rộng theo mô hình 1-N nhân rộng phạm vi thụ hưởng. Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một bệnh viện tuyến dưới nhưng tất cả bệnh viện khác trong mạng lưới đều có thể tham gia hội chẩn, theo dõi, qua đó được học tập, nâng cao chuyên môn.
Đề án khám, chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh theo phương thức kết hợp bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là, một bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó, bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho đồng nghiệp tuyến dưới khi cần thiết.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Đề án không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành y tế. Đây còn là hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới.
Bệnh viện Đại học Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức khám chữa bệnh từ xa. Bệnh viện hiện định kỳ tiến hành một tuần hai buổi hội chẩn Telehealth (thứ 3 và thứ 5). Mỗi buổi, trung bình 8-10 bệnh nhân nặng được các bác sĩ hội chẩn trực tuyến. Sau 5 tháng triển khai, bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn từ xa, 293 bệnh nhân được hội chẩn.
Hiện 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối Telehealth. Gần 300 ca bệnh khó được cứu sống nhờ hội chẩn kịp thời qua hệ thống trực tuyến. Điển hình, ngày 4/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống người bệnh nam, 32 tuổi, phẫu thuật trong tình trạng tràn khí màng phổi tái phát do vỡ kén khí màng phổi nhờ sự chỉ đạo trực tuyến của các chuyên gia ngoại khoa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ngày 11/9, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút.
Ông Long cho biết sắp tới, Bộ Y tế tiếp tục ra mắt mạng y tế Việt Nam. Đây là nơi tập hợp các thầy thuốc cả nước nhằm chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao tay nghề.
Lê Nga (theo vnexpress.net).