Hầm chui trăm tỷ không mưa vẫn ngập: Do phải chạy đua?
Có thể do đường ống dẫn nước ngầm bị bục, do chất lượng bê tông kém, nhưng cũng có thể do máy bơm trục trặc.
Có phải thiết kế thi công ẩu đường ống, chất lượng máy bơm kém
Ngày 19/3/2018, nhiều người dân di chuyển qua hầm chui Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương, TP. Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn bởi nước ngập lênh láng, có đoạn nước cao tới 20cm mặc dù trong đêm ngày 18 sáng ngày 19/3/2018 TP. Đà Nẵng không có hiện tượng mưa giông.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 19/3, KTS Hoàng Sừ – nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam cho biết: “Chắc chắn theo tôi chỉ có 2 nguyên nhân, một là, do mạch nước ngầm bị vỡ; hai là, chất lượng máy bơm kém nên không xử lý hết nguồn nước.
Và lỗi ở đây là do cả thiết kế lẫn thi công, nếu thiết kế mà làm tốt có giải pháp chống thấm nhưng vẫn thấm thì do thi công ẩu, còn nguyên nhân thi công ẩu tôi nghĩ rất dễ xảy ra vì công trình gấp rút hoàn thiện cho kịp APEC.
Chắc chắn không có chuyện công trình hoàn thiện trước APEC 1 tháng, vì vào thời điểm gần diễn ra APEC tôi đi qua vẫn còn rất ngổn ngang”.
Hầm chui Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương ngập 20cm
Thông thường cách tốt nhất là làm đường ống kín không có gì thấm vào được, giải pháp khác là cho thấm nhưng cố thu gom nước lại rồi dùng máy bơm bơm lên, chuyển ra khu vực khác.Cũng theo ông Sừ, không biết giải pháp thu gom nước ngầm hiện nay đang được thực hiện bằng cách nào.
Ví dụ, đổ bê tông toàn bộ phần thân hầm, đường hầm thì nước không thể thấm qua, không cần máy bơm, nhưng nếu không làm theo hướng đó, tường có khả năng nứt bê tông, nước vẫn có thể thấm qua, thường các khe đó sẽ có gioăng cao su ngăn nước, nên cần điểm thu gom.
Với đường hầm Điện Biên Phủ cần dùng đến máy bơm để thu gom nước chuyển chỗ khác là dùng phương án bê tông hở.
Về giải pháp, ông Sừ nhấn mạnh: “Nếu như thi công chất lượng tốt không vấn đề gì, chỉ do máy bơm gặp sự cố thì sửa máy bơm hoặc thay thế, vô cùng đơn giản.
Còn do rò gỉ bên trong lại rất khó, vì lúc đó phải xác định nguyên nhân thấm từ đâu, qua các khe thì xử lý khe được, còn lỗi kết cấu nền, kết cấu thân đổ bê tông gây nứt thì cực kỳ khó, không đơn giản”.
Do máy bơm trục trặc
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, KTS Hồ Duy Diệm – Nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP. Đà Nẵng cho rằng, có thể có rất nhiều nguyên nhân.
Về mặt khoa học nước chảy chỗ trũng, hầm làm bằng bê tông mà nước chảy vào được chỉ có thể do đường ống thoát nước mưa trong hầm bị bục nên nước chảy ra ngoài; hoặc cũng có thể do trạm bơm nước hư hỏng không bơm ra được, nên nước chảy ngược vào; hoặc van một chiều nước chảy vào không chảy ra, không biết cách lắp đặt van.
“Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguyên nhân do chất lượng vì đáy hầm, nếu đổ bê tông dài 20-30cm không thể không vỡ, đáy hầm về nguyên lý phải làm bằng bê tông cốt thép, nhưng công trình làm không kịp tiến độ, nên chất lượng bê tông trộn không đều, không đủ cường lực chịu tải, nước dễ thấm vào.
Nhưng tôi thiên về nguyên nhân của trạm bơm bị hư hỏng, trục trặc, hỏng van nên nước chảy ngược. Và khi nói nguyên nhân này cần đặt ra câu hỏi vì sao trời không mưa mà lượng nước lại lớn, nếu máy bơm không hoạt động thì lượng nước lúc nào cũng nhiều như vậy hay không”, ông Diệm nhận định.
Để xảy ra sự cố trên, theo vị KTS trên, là trách nhiệm của người quản lý công trình, đã giao cho quản lý mà không làm đúng theo quy trình để cho nước chảy vào, kể cả máy bơm trục trặc cũng phải có phương án dự phòng.
Để khắc phục phải tìm ra nguyên nhân nếu là bê tông chất lượng thấp bị bục thì phải đập khu vực đó ra làm lại, kiểm tra lại toàn bộ chất lượng bê tông công trình, mới đưa vào sử dụng chắc chắn còn trong thời gian bảo hành.
Còn nếu do trục trặc máy bơm thì sửa, thay máy bơm khác, không được tái diễn. Đặc biệt phải lắp thêm một van một chiều nước chảy ra chứ không chảy vào, nếu máy bơm không đủ công suất thì phải thay máy bơm công suất cao hơn.
Cắt điện nên ảnh hưởng máy bơm
Chiều ngày 18/3, theo giải thích từ phía Ban quản lý dự án, đơn vị chức năng đã cắt điện để di dời đường dây trung thế trong khu vực cấp điện cho hầm chui Điện Biên Phủ.
Lúc này, hệ thống cấp điện cho máy bơm hầm chui Điện Biên Phủ chuyển sang hệ thống dự phòng.
Tuy nhiên, sau khi cấp điện trở lại thì cầu dao không trả về hệ thống điện lưới như cũ nên máy bơm không thể hoạt động.
Chia sẻ với báo chí, ông Lương Thạch Vỹ – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng cho biết: “Do sự cố về chuyển mạng lưới điện nên máy bơm không thể hoạt động.
Về vấn đề hầm bị ngập nước, đơn vị đang cho cán bộ kỹ thuật tìm nguyên nhân để có hướng khắc phục, đảm bảo hầm luôn khô thoáng trong thời gian tới”.
Theo Châu An
Đất Việt