Tỷ lệ ngân sách TP HCM được giữ lại thấp nhất nước

So sánh với Hà Nội và Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rằng TP HCM có tỷ lệ ngân sách để lại giảm nhiều nhất cả nước trong 20 năm qua.

Tại hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 42 sáng 7/7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng giảm từ 100% còn 78%. TP HCM năm 2000 tỷ lệ ngân sách được giữ lại là 33% nhưng chỉ còn 18% trong giai đoạn 2017-2020.

Ông Nhân cho rằng đây là một trong những lý do khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố so với bình quân cả nước đang giảm. Nếu giai đoạn 2001-2010 con số này bằng 1,6 lần cả nước, thì đến giai đoạn 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần.

“20 năm qua tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của thành phố vào ngân sách cả nước ngày càng tăng, từ 26,5% giai đoạn 2001-2010 và đến giai đoạn 2011-2019 là 27,5%”, ông Nhân nói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị Thành ủy sáng 7/7. Ảnh: Hữu Công

Theo người đứng đầu Thành ủy TP HCM, kinh tế thành phố luôn chiếm vai trò quan trọng đối với cả nước. Giai đoạn 1996-2000, kinh tế thành phố chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước, đến giai đoạn 2001-2010 tỷ lệ này tăng lên 20% và giai đoạn 2011-2019 chiếm hơn 22% kinh tế cả nước.

“Điều đó cho thấy khi nói vai trò đầu tàu là tỷ trọng đóng góp của TP HCM cho cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên”, ông Nhân nói và cho rằng cơ sở quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế thành phố cao hơn bình quân cả nước là nhờ năng suất lao động cao hơn bình quân cả nước, gấp 2,7 lần.

Một vấn đề khác được ông Nhân lưu ý là việc phát huy sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết vùng tuy đã phát triển nhưng nhìn lại 5 năm chưa có đột phá. Công nghiệp và dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế thành phố, nhưng đất đai dành cho lĩnh vực này rất thấp, khoảng 10.000 ha (không kể bất động sản) và chỉ chiếm 5% quỹ đất TP HCM.

“Trong những năm qua, quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ không hề tăng”, ông Nhân nói và đề nghị các đại biểu thảo luận, tính toán làm sao để thu hút các nhà đầu tư vào thành phố.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, với quyết tâm và nỗ lực cao, tình hình kinh tế – xã hội của thành phố quý II có sự chuyển biến tốt hơn quý I. Bên cạnh những khó khăn và thách thức bởi tác động từ đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế – xã hội của thành phố vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.

Cụ thể, khối lượng giải ngân các dự án trên thực tế đạt hơn 18.000 tỷ đồng (đạt 43% kế hoạch vốn, gấp hơn bốn lần về giá trị tuyệt đối, hơn ba lần về tỷ lệ so với cùng kỳ); các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… phát triển mạnh mẽ. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới.

Trong những tháng cuối năm, TP HCM phấn đấu đi đầu thực hiện nhiệm vụ kép với những nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất, thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Trong đó, thành phố sẽ kiên trì vừa khống chế đẩy lùi dịch bệnh, vừa giữ vững phát triển kinh tế – xã hội.

Chính quyền thành phố cũng sẽ rà soát, hỗ trợ cho hơn 8.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; chuẩn bị đón làn sóng đầu tư dịch chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng thời, UBND thành phố sẽ hoàn thành các đề án: điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; không tổ chức HĐND quận, phường; thành lập Thành phố phía Đông; sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Theo chương trình, hội nghị Thành ủy TP HCM lần này sẽ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội, ngân sách giai đoạn 2015-2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021-2025đánh giá kết quả 5 năm thực hiện 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xem xét báo cáo chuyên đề kết quả thực hiện Quy định 1374 về giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giai đoạn 2018-2020…

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 7-8/7.

Hữu Công (theo vnexpress.net).

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *