Tiếp sức cho ‘Mũi đột phá’ nguồn lực trong nước
Trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, cần sẵn sàng để nền kinh tế “bung ra như lò xo bị nén” và việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước được xác định là một trong “5 mũi đột phá” để phục hồi và phát triển kinh tế.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh rằng tác động của đại dịch COVID-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở tất cả các loại hình, quy mô doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các hợp tác xã, hộ kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,3% và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%.
Trong bối cảnh đó, tinh thần của Chính phủ là đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, quyết tâm khắc phục khó khăn, củng cố niềm tin, khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Thực tế, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với các giải pháp của Chính phủ, tình hình các doanh nghiệp và nền kinh tế đã đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực.
Cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp, thì có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 01 tháng trước đó.
“Cộng đồng doanh nghiệp cảm ơn Chính phủ, trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, đã dành các gói tài khoá, tín dụng, với quy mô chưa từng có, để hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết.
Bên cạnh các giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch, với mục tiêu lâu dài là huy động, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, thời gian qua, Chính phủ vẫn tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính.
Theo các số liệu mới nhất, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (63%), 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (68%). Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Đã có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%.
Sau 5 tháng hoạt động, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 395 dịch vụ công trực tuyến; có gần 33 triệu lượt truy cập; hơn 140 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 7,3 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 9.800 cuộc gọi, hơn 5.200 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng được thành lập mới đây, với nhiệm vụ rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị sửa đổi, bổ sung để giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Tổ phó Thường trực Tổ công tác, đến nay, Tổ công tác đã nghiên cứu và nhận diện được 11 chuyên đề cần tập trung rà soát chuyên sâu trong năm 2020. Tính đến ngày 15/5, Bộ phận thường trực Tổ công tác đã tiếp nhận hàng trăm văn bản của các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn quốc gửi đến với trên 3.000 nội dung kiến nghị, phản ánh.
Theo Thứ trưởng, điều này cho thấy các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan, tổ chức đã hưởng ứng nhiệt tình, có trách nhiệm, đặt nhiều hy vọng vào hoạt động rà soát, phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển để có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các kiến nghị, phản ánh đã được Bộ Tư pháp tổng hợp, phân loại, chỉ dẫn và chia sẻ kịp thời đến các bộ, cơ quan ngang bộ và các nhóm rà soát để phục vụ việc rà soát.
Mới nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025. Trong Nghị quyết này, Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành.
Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân…
Muộn nhất vào đầu tháng 6/2020, các bộ, ngành phải hoàn tất kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nghị quyết 68 là chương trình cắt giảm tổng thể hơn, toàn diện hơn các giải pháp trước đây, vốn chỉ tập trung cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
“Nghị quyết 68 nêu rõ phải cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, không phân biệt đó là thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hay thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cứ gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị bãi bỏ. Đây là điểm khác biệt căn bản so với các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh trước đó”, ông Hiếu nhận định.
Thứ hai, Nghị quyết 68 không chỉ cắt giảm quy định mà còn cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, riêng trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành có khoảng 400 văn bản với nhiều mâu thuẫn, chồng chéo. Đây là điểm mới có ý nghĩa rất quan trọng.
Cùng với Nghị quyết này, nhiều chính sách đang được Chính phủ trình Quốc hội nhằm tiếp tục tháo gỡ tối đa các vướng mắc chính sách cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu giải phóng các nguồn lực trong dân. Ngay tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi)…
Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cũng nhấn mạnh một trong các giải pháp quan trọng trong thời gian tới để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội là “thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng”.
Cụ thể hơn, cần điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Cung ứng vốn tín dụng kịp thời, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, chi phí vay vốn. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến. Tăng cường kỷ luật tài chính – NSNN; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; cắt giảm chi hành chính, hội họp, đi công tác.
Triển khai hiệu quả Nghị định số 41 về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định. Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo BizC.vn