Bộ Tài chính đề xuất 10 giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp
Theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước hiện khá chậm khi 4 tháng đầu năm nay không có doanh nghiệp nào cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã đề xuất 10 giải pháp chính để đẩy nhanh tiến trình này.
Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo cổ phần hóa của 03 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hậu Giang (phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2019).
Lũy kế giai đoạn 2016 – tháng 4/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 gồm: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.
Nhìn chung tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong những tháng đầu năm 2020 là chậm, đồng thời do diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 khiến cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội đình trệ đã ảnh hưởng tới công tác triển khai cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn trước mắt là duy trì hoạt động của nền kinh tế, giảm thiểu đến mức tối đa tác động của dịch bệnh COVID-19 đồng thời vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ba là, hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt.
Bốn là, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Năm là, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.
Sáu là, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai công tác thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.
Bảy là, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa: Thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; Thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành.
Tám là, đề nghị người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Chín là, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước: Vừa đảm bảo yêu cầu chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh; Rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới, trong đó, xây dựng các giải pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, thị trường, đề xuất, kiến nghị cụ thể giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc.
Mười là, các DNNN nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin để khắc phục các khó khăn, tiếp tục triển khai, duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh diễn ra, nghiên cứu các biện pháp khắc phục hậu quả, khẩn trương phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo BizC.vn