Châu Á sẽ tìm ra thuốc cứu chữa ngành du lịch
Theo CNN, đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu đã tàn phá nặng nề đến ngành du lịch. Theo ước tính của Tổ chức Du lịch Thế giới, doanh thu ngành du lịch quốc tế có thể giảm tới 80% trong năm nay so với năm 2019, khiến ít nhất 100 triệu người có nguy cơ mất việc.
Tại Thái Lan, nơi ngành du lịch chiếm 18% GDP đất nước, Cơ quan Du lịch Quốc gia dự báo lượng khách quốc tế sẽ giảm đến 65% trong năm nay.
Cũng như Cletana, nhiều người mưu sinh bằng hoạt động du lịch tại Thái Lan đang vật lộn kiếm sống. Thời điểm trước đại dịch, Cletana có thể kiếm khoảng 300 USD/ngày. Tuy nhiên hiện nay thu nhập hàng ngày của cô đã giảm còn 2 USD, thậm chí 0 USD/ngày sau khi Thái Lan ra lệnh cấm các chuyến bay quốc tế vào nước này.
Tương tự Thái Lan, các quốc gia trên thế giới đang tìm mọi cách để giữ nền du lịch khỏi sụp đổ. New Zealand và Australia vừa cam kết một thỏa thuận du lịch cho phép mở cửa giữa hai nước ngay khi tình hình bệnh dịch được kiểm soát. Trung Quốc bắt đầu cho phép du lịch nội địa, mặc dù vẫn đóng cửa đối với hầu hết người nước ngoài.
Nhưng ngay cả với các sáng kiến mới cứu vớt ngành du lịch, nhiều chuyên gia dự báo có thể mất nhiều năm để du lịch trở về mức tăng trưởng như trước khi Covid-19 bùng phát. Và ngay cả khi điều đó xảy ra, cách du lịch trên toàn thế giới cũng thay đổi.
Trong tương lai gần, “hành lang du lịch” sẽ là giải pháp chung của ngành du lịch trên nhiều khu vực. Tại châu Âu, các quốc gia Estonia, Latvia và Litva đã ban hành kế hoạch mở cửa biên giới nội bộ cho công dân ba nước từ ngày 15/5.
Đối với hầu hết quốc gia, duy trì tình trạng tách biệt sẽ khiến họ khó thể chi trả các chi phí lâu dài. Cũng theo dự đoán của các chuyên gia, đây chỉ là vấn đề thời gian và các nước khác sẽ sớm hình thành thỏa thuận về hành lang du lịch tại quốc gia mình.
Theo ông Mario Hardy, CEO Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA), Việt Nam và Thái Lan có thể xem xét mở hành lang du lịch giữa hai nước trong thời gian tới. Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ cũng hy vọng có thể xem xét những thỏa thuận tương tự, theo ý kiến của nhà phân tích hàng không Brendan Sobie.
Ông cho rằng khi các quốc gia tìm kiếm đối tác, chính phủ có thể sẽ cân nhắc một vài nhân tố quan trọng. Trong đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các số liệu thống kê có thể tin tưởng sẽ là yếu tố hàng đầu.
Tại châu Á, Trung Quốc – thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới – là điểm nóng đáng quan tâm. Các khảo sát cho thấy khách Trung Quốc không muốn du lịch quá xa. Điều đó có nghĩa là Thái Lan, quốc gia thu hút khoảng 11 triệu khách du lịch Trung Quốc mỗi năm, có thể sẽ là một trong những điểm đến đầu tiên mở cửa cho khách Trung Quốc.
Chuyên gia Hardy đánh giá các quốc gia sẽ ưu tiên di chuyển trong khu vực hơn. Điều đó có nghĩa là các chuyến đi từ Mỹ đến châu Á sẽ còn khá lâu nữa mới phục hồi. “Trừ khi Mỹ kiểm soát được tình hình dịch bệnh, sẽ không quốc gia nào mạo hiểm để người dân Mỹ đến đất nước mình”, ông Hardy nói.
Ông dự đoán những quốc gia có tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát an toàn sẽ bị bỏ rơi trong giai đoạn này. Đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch, mối quan tâm về sức khỏe và kinh tế cần phải được cân bằng.
Thái Lan đang cân nhắc chiến lược du lịch mới để khách nước ngoài đến một số khu vực nhất định, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân. Thống đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn mô tả chiến lược này như một dạng “cách ly” an toàn.
Các quốc gia có lượng du học sinh đông đảo sẽ nới lỏng kiểm soát để sinh viên quay trở lại học tập. New Zealand đang xem xét để du học sinh nước ngoài tại quốc gia này quay trở lại nếu đáp ứng đủ hai tuần cách ly.
Theo CNN, nhiều chuyên gia dự đoán sau đại dịch, các sân bay sẽ siết chặt kiểm tra sức khỏe. Du khách được kiểm tra thân nhiệt và xét nghiệm virus trước khi lên máy bay. Ngoài ra, cấp “hộ chiếu miễn dịch” là phương án sẽ được các nước châu Á cân nhắc.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đưa ra hình thức đánh giá sức khỏe thông qua “hộ chiếu miễn dịch”. Công dân Trung Quốc mang mã QR thay đổi màu sắc tùy theo tình trạng sức khỏe khi muốn vào nhà hàng hay trung tâm mua sắm.
Tuy nhiên, ý tưởng về hộ chiếu miễn dịch vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng hoạt động theo cơ chế người đã khỏi bệnh sẽ không bị tái nhiễm. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vẫn chưa có bằng chứng cho thấy người khỏi bệnh sẽ không bị tái nhiễm. Ngoài ra, các quốc gia chưa đủ nguồn lực xét nghiệm kháng thể rộng rãi.
Chuyên gia Freya Higgins-Desbiolles thuộc Đại học Nam Australia khẳng định: “Chúng ta khó thể mong đợi ngành du lịch sẽ quay trở lại như trước đây cho đến khi thế giới tìm được vaccine”. Chuyên gia Barnett cho rằng phải mất 1-2 năm, ngành du lịch mới phục hồi.
Theo bà, ngành du lịch cần dựa trên sự hiếu khách, tôn trọng và công bằng, tương tác tốt, không chỉ có lợi cho du khách mà cả cộng đồng địa phương…để có thể tìm lại sự bùng nổ.
Theo BizC.vn