Ai được đề cử vào ban lãnh đạo mới của PVcomBank?
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa công bố biên bản tổng hợp ý kiến của cổ đông về nhân sự dự kiến bầu vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2018 – 2023.
Theo đó, hai cổ đông lớn nhất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Morgan Stanley chưa có đề xuất về nhân sự. Tuy nhiên theo nguồn tin của chúng tôi, các cổ đông này vẫn sẽ đề cử cho các nhân sự cũ.
Ngân hàng đồng thời nhận được 3 đề cử của 3 nhóm cổ đông cho các chức danh trong Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Nhóm cổ đông số 1 gồm các cá nhân và pháp nhân đại diện cho 10,55% vốn đề cử ông Nguyễn Hoàng Nam. Ông Nam là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVcombank của nhiệm kỳ 2013-2018.
Nhóm cổ đông số 2 đại diện cho 11,24% vốn đề cử ông Ngô Ngọc Quang. Ông Ngô Ngọc Quang hiện là thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp lớn của PVcombank.
Nhóm cổ đông số 3 đề cử ông Trịnh Hữu Hiền – đương nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng. Nhóm này gồm các cá nhân và thể nhân sở hữu 10,07% vốn điều lệ PvcomBank.
Nhiệm kỳ hiện tại Hội đồng quản trị của PVcombank có 7 thành viên, trong đó ông Nguyễn Đình Lâm là Chủ tịch. Các thành viên còn lại gồm ông Nguyễn Hoàng Nam, ông Trịnh Hữu Hiền, ông Đoàn Minh Mẫn, ông Võ Trọng Thủy, ông Nguyễn Khuyến Nguồn và ông Ngô Ngọc Quang.
Với các đề cử mới đến thời điểm này đều nằm trong Hội đồng quản trị hiện tại nên nhiều khả năng Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới sẽ không có thay đổi.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 100 nghìn tỷ. PVN là cổ đông có cổ phần sở hữu nhiều nhất tại PVcombank với 468 triệu cổ phần tương đương 52% vốn điều lệ, tiếp đến là cổ đông chiến lược Morgan Stanley với 60 triệu cổ phần sở hữu – chiếm 6,67% vốn PVcombank.
Nguồn: Báo cáo thường niên 2016
Còn nhớ tại đại hội cổ đông của ngân hàng năm 2017, PvcomBank cho biết ngân hàng đang phải tập trung triển khai các mục tiêu tại Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, quá trình tái cơ cấu đòi hỏi nhiều nguồn lực cần được bổ sung và các nỗ lực phải được triển khai đồng bộ, do vậy chưa thể tập trung toàn lực vào việc tăng trưởng nhanh các chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận.
Hoạt động kinh doanh của PVcomBank mới cập nhật tình hình đến cuối năm 2016, còn trong năm 2017 tới nay thì ít được công bố, ngoài kế hoạch lãi 82 tỷ đồng và hoàn thiện sáp nhập một số công ty con. Tuy nhiên hoạt động đầu tư lại khá thu hút sự chú ý. Trong năm 2017 và đầu năm 2018, PvcomBank đã bán ra tổng cộng hơn 13 triệu cổ phiếu PVI với giá cao ngất ngưởng từ 35.000 – 37.000 đồng – vùng giá cao nhất của cổ phiếu này. Thương vụ ước tính đã mang về cho ngân hàng không dưới 400 tỷ đồng.
Theo Trí thức trẻ