Thủ tướng yêu cầu bãi bỏ ngăn cấm đi lại
Chính phủ yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại do thực hiện không đúng tinh thần “cách ly xã hội”.
Tối 3/4, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thực hiện yêu cầu “cách ly xã hội”, trong đó lưu ý nội dung trên.
Thông báo nêu, một số nội dung của chỉ thị về cách ly toàn xã hội đang “chưa được hiểu và thực hiện thống nhất”. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, phải bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Mọi người dân “đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng”, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm nCoV.
Người dân được yêu cầu ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ trường hợp thật sự cần thiết gồm: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn… Những người làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước; lực lượng vũ trang; cơ quan ngoại giao được ra ngoài để làm việc.
Những người ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không tập trung quá hai người tại nơi công cộng và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
Các cơ quan được tiếp tục duy trì hoạt động gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu.
Ngoài ra còn có cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…); chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ…
Chính phủ giao người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn và thực hiện đầy đủ biện pháp chống Covid-19. Người lao động tại các cơ sở này phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, hạn chế di chuyển, tiếp xúc. Nếu không đảm bảo các yêu cầu trên phải dừng hoạt động.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và công khai các loại hình cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.
Các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng “cơ bản bị dừng”; trừ trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Phương tiện cá nhân bị hạn chế tối đa.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể, không để đình trệ công việc.
Sáng 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị yêu cầu cách ly xã hội, áp dụng từ 0h ngày 1/4 đến và kéo dài 15 ngày. Tại phiên họp Chính phủ sáng 1/4, Thủ tướng giải thích cách ly xã hội mang ý nghĩa giữ khoảng cách trong xã hội, nhưng vẫn duy trì lưu thông hàng hóa và xuất khẩu.
Từ chỉ đạo trên, lực lượng liên ngành thành phố Hà Nội lập 30 chốt trên các trục đường ra vào thủ đô để giám sát cách ly xã hội.
Tuy nhiên, một số địa phương ở Quảng Ninh đã đổ đất, cầu bê tông chặn một số tuyến đường để kiểm soát người ra vào; Thái Bình dừng cho người từ địa phương có dịch đến địa bàn…
Theo vnexpress.net