Buổi thánh lễ kích ‘bom nổ chậm’ Covid-19 tại Pháp

Buổi lễ tại nhà thờ ở Mulhouse, Pháp mở đầu chuỗi lây nhiễm, tạo ra ổ dịch lớn nhất nước này và khiến Covid-19 xuất hiện ở nhiều nước.

“Chúng ta sẽ ca ngợi Chúa. Mọi người có cảm thấy vui không?”, người đứng đầu dàn phúc âm hợp xướng hỏi các tín đồ trước buổi cầu nguyện tại nhà thờ của đại giáo đoàn Thiên chúa giáo Mở cửa ở thành phố Mulhouse, phía đông nước Pháp hôm 18/2.

Buổi lễ tại nhà thờ đại giáo đoàn Thiên chúa giáo Mở cửa hồi năm 2017.

“Vâng”, hàng trăm tín đồ đáp lại. Nhiều người trong số này đã vượt hàng nghìn km để tham gia lễ cầu nguyện kéo dài một tuần tại thành phố 100.000 dân ở biên giới Pháp với Đức và Thụy Sĩ. Sự kiện thường niên luôn được coi là điểm nhấn trong lịch công giáo của nhiều tín đồ trên thế giới, nhưng lần này có người nhiễm nCoV giữa các tín đồ.

Buổi cầu nguyện đã tạo ra ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại Pháp với ít nhất 2.500 người nhiễm, chưa kể tới hàng loạt quốc gia ngoài Pháp. Nhiều bệnh nhân đã vô tình mang bệnh về Thụy Sĩ, Burkina Faso ở tây châu Phi, đảo Corsica trên Địa Trung Hải, vùng lãnh thổ Guyana ở Nam Mỹ. Một nhà máy điện hạt nhân và một nhà sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu cũng chịu ảnh hưởng.

Vài tuần sau buổi lễ, Đức phải đóng một phần biên giới với Pháp, chấm dứt thỏa thuận đi lại tự do có hiệu lực suốt 25 năm qua. Ổ dịch tại Mulhouse là một trong những lý do chủ chốt dẫn tới quyết định này, hai quan chức Đức giấu tên cho biết. Quan chức nhà thờ tiết lộ 17 người trong buổi lễ đã chết vì các biến chứng liên quan tới Covid-19.

Nhiều buổi lễ tôn giáo từng khiến dịch bệnh lây lan, trong đó Hàn Quốc chứng kiến hơn 5.000 ca dương tính nCoV liên quan tới chi nhánh giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu. Ổ dịch tại Mulhouse cho thấy tốc độ lây lan và sức tàn phá của nCoV. Nó liên tục phát tán, vượt quá mọi nỗ lực kiểm soát của giới chức y tế các nước.

Một bệnh nhân được đưa khỏi bệnh viện dã chiến ở Mulhouse hôm 29/3.

Khi các tín đồ tập trung trong nhà thờ với sức chứa 2.500 người tối 18/2, căn bệnh dường như vẫn là điều rất xa xôi. Pháp mới ghi nhận 12 ca dương tính nCoV, không trường hợp nào xuất hiện ở khu vực Mulhouse. Chính quyền Pháp, cũng như nhiều nước châu Âu, lúc này chưa áp dụng lệnh cấm tụ tập đông người. Các tín đồ không có nước rửa tay khô, tất cả đều bắt tay khi chào hỏi nhau.

“Lúc đó chúng tôi coi Covid-19 là điều rất xa vời”, Jonathan Peterschmitt, con trai linh mục quản lý và cháu nội người sáng lập nhà thờ, cho biết. Cha của anh không thể trả lời phỏng vấn do đã nhiễm bệnh.

Ca nhiễm nCoV đầu tiên liên quan tới nhà thờ được báo cáo ngày 29/2. Giới chức y tế Pháp bắt đầu tìm những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân để ngăn Covid-19 lây lan. Họ khẳng định nhà thờ đã hợp tác đầy đủ và cung cấp danh sách tín đồ tham gia buổi lễ.

Các quan chức y tế nhận ra họ đã hành động quá muộn khi nhiều người bắt đầu ngã bệnh. “Chúng tôi bị choáng ngợp. Một quả bom nổ chậm nằm ngay trước mắt chúng tôi”, Michel Vernay, chuyên gia bệnh dịch thuộc cơ quan y tế cộng đồng ở miền đông Pháp, thừa nhận.

Elie Widmer, giám đốc một công ty xây dựng địa phương, là người góp mặt trong buổi lễ. Cha mẹ ông là tín đồ của đại giáo đoàn được thành lập từ năm 1966. Tuần lễ cầu nguyện tại Mulhouse luôn là sự kiện được ông chờ đón suốt cả năm.

“Bạn cảm thấy năng lượng rất đặc biệt trong thời gian đó. Bạn dừng mọi thứ và sạc lại tinh thần trong suốt một tuần”, Widmer nói. Ông là nhạc công trong dàn hợp xướng nhà thờ và tham gia mọi buổi lễ.

Antoinette, người phụ nữ 70 tuổi sống trên đảo Corsica, coi buổi lễ là một phần truyền thống của bản thân suốt 25 năm qua. Bà muốn giấu danh tính đầy đủ, cho biết các tín đồ đang bị người ngoài kỳ thị vì làm lây lan nCoV. “Chúng tôi không biết gì cả. Không ai nghĩ tới đại dịch”, Antoinette nhớ lại. Bà bị bệnh phổi mạn tính và thường xuyên phải điều trị trong viện.

Mamadou Karambiri đáp xuống sân bay Charles de Gaulle ở Paris vào ngày 14/2 sau chuyến bay từ thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso. Ông là linh mục nổi tiếng, là người đứng đầu nhà thờ có thể tiếp nhận tới 12.000 người và nằm trọn một dãy nhà tại Ouagadougou.

Karambiri đến Pháp cùng vợ và một vệ sĩ và là một trong những người thuyết giảng chủ chốt trong tuần lễ ở Mulhouse. Linh mục này từ chối bình luận, đại diện của Karambiri khẳng định ông đến Pháp khi Covid-19 chưa xuất hiện, dù thực tế thời điểm đó Pháp đã ghi nhận 12 ca dương tính.

Cũng có mặt tại nhà thờ là hai đứa trẻ 5 tuổi và một tuổi có mẹ bị ốm từ trước khi sự kiện bắt đầu. Người mẹ ở nhà, nhưng ông của chúng đã đưa hai đứa bé tới nhà thờ. Cả ba mẹ con sau đó được xác nhận dương tính nCoV, khiến người mẹ được coi là nguồn lây bệnh tiềm tàng. Hiện chưa rõ Covid-19 lây đến người phụ nữ này như thế nào.

Y bác sĩ chuyển bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện ở Mulhouse hôm 22/3.

Những buổi cầu nguyện đông nhất có tới 2.500 tín đồ và không sự kiện nào có dưới 1.000 người, Peterschmitt tiết lộ. Nhiều người xuất hiện hàng ngày và dành hàng giờ bên cạnh những tín đồ khác. “Chúng tôi ở cùng môi trường nuôi virus trong suốt một tuần”, ông thừa nhận.

Chưa tín đồ nào có triệu chứng mắc bệnh khi sự kiện kết thúc ngày 21/2, phát ngôn viên đại giáo đoàn Nathalie Schnoebelen cho hay. Số người nhiễm nCoV tại Pháp lúc đó vẫn chỉ là 12.

Đến cuối tháng 2, Widmer cùng vợ, ba con và mẹ vợ đều ốm. Pháp báo cáo 91 ca nhiễm nCoV mới vào ngày 3/3, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này lên 191. Nhà thờ biết tin về ba mẹ con nhiễm bệnh và đăng thông báo trên mạng xã hội, kêu gọi các tín đồ nhanh chóng đến bác sĩ.

Widmer gọi vào số điện thoại cấp cứu, nhưng được thông báo là không có đủ bộ xét nghiệm để kiểm tra cho ông. Tuy nhiên, bác sĩ chẩn đoán ông đã nhiễm nCoV và yêu cầu gia đình tự cách ly.

Ông bị sốt cao, đau đầu, mất vị giác và khứu giác suốt ba ngày. Các thành viên gia đình có triệu chứng nhẹ hơn và không nguy hiểm tính mạng. Widmer sau đó hồi phục nhưng vẫn tiếp tục tự cách ly.

Gia đình người sáng lập nhà thờ cũng mắc Covid-19, tới nay đã có hơn 10 người bình phục.

Chỉ cách đó vài km, giới chức Đức theo dõi tình hình tại Pháp trong tình trạng cảnh giác cao độ. Viện Robert Koch, một cơ sở nghiên cứu y tế cộng đồng của chính phủ Đức, đã bổ sung miền đông nước Pháp vào danh sách những vùng có hiểm họa Covid-19, bên cạnh tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, Iran, Italy, thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang của Hàn Quốc.

Đến ngày 11/3, Pháp đã báo cáo 1.774 ca nhiễm nCoV, trong đó 33 người đã chết. Khoảng 45.000 công nhân Pháp đến Đức làm việc mỗi ngày, khoảng 20% trong số đó tới từ vùng Mulhouse. Phần lớn làm việc tại vùng công nghiệp giàu có ở bang Baden-Wuerttemberg, nơi đặt trụ sở hãng ôtô Porsche và Mercedes-Benz.

Một nhân viên nhà máy điện hạt nhân Fessenheim tham gia buổi lễ tại Mulhouse và được xác nhận mắc Covid-19. Công ty chủ quản Electricite de France SA sau đó yêu cầu 20 người tự cách ly tại nhà, khẳng định hoạt động của nhà máy không bị ảnh hưởng. Một công nhân làm việc tại nhà máy Peugeot Citroen ở ngoại ô Mulhouse cũng nhiễm nCoV sau khi dự lễ.

Tình trạng này buộc quan chức bang Baden-Wuerttemberg áp lệnh hạn chế đi lại qua biên giới, khiến Paris yêu cầu Berlin giải thích về hành động này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 16/3 về tình hình ổ dịch ở miền đông Pháp và nguy cơ lây nhiễm qua biên giới. Họ thống nhất đóng biên, chỉ miễn trừ các chuyến hàng hóa và những người có công việc thiết yếu.

Cảnh sát xuất hiện ở cửa khẩu vốn không có người canh gác, yêu cầu các lái xe trình giấy tờ cho thấy việc đi lại của họ là cần thiết. Các xe tải cũng phải xếp hàng chờ.

Tuy nhiên, bệnh dịch đã vượt qua biên giới. Một tín đồ Thụy Sĩ nhiễm nCoV trong đợt lễ đã về nhà và tiếp xúc nhiều người trong cộng đồng truyền giáo ở miền tây nước này. Giới chức y tế vùng lãnh thổ Guyana thông báo phát hiện 5 người dương tính sau khi dự lễ nhà thờ ở Mulhouse.

Antoinette cảm thấy mệt mỏi khi trở về Corsica sau khi dự tuần lễ nhà thờ. Bà cho rằng mình mất sức do chuyến đi dài và tiếp tục gặp nhiều tín đồ ở thủ phủ Ajaccio. Bà nhận được cuộc gọi từ Mulhouse ngày 2/3, 9 ngày sau khi trở về nhà và nắm được tình hình dịch bệnh.

Bà được nhập viện và xét nghiệm ngay đêm đó, trở thành ca bệnh Covid-19 đầu tiên được báo cáo ở Corsica vào ngày 4/3. Antoinette đang tự cách ly, trong khi nhà thờ địa phương đã ngừng đón tín đồ. Đến ngày 27/3, đã có 263 người nhiễm nCoV trên đảo Corsica, 21 người trong số này đã chết.

“Mọi người chĩa mũi dùi vào tôi. Họ cần ai đó để đổ tội”, Antoinette nói, cho biết nhiều cư dân nói rằng bà đã mang bệnh tới Corsica. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều tín đồ tham gia buổi lễ ở Mulhouse, khi họ bị chửi bới và phải che giấu danh tính.

Pháp ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm nCoV tính đến ngày 20/3, hơn một phần tư trong số đó ở khu vực miền đông và bao gồm Mulhouse. “Phần lớn ca bệnh có thể truy nguồn gốc từ nhà thờ”, chuyên gia Vernay cho biết.

Số lượng ca bệnh nguy kịch vượt quá số giường chăm sóc đặc biệt, buộc giới chức phải chuyển nhiều bệnh nhân bằng trực thăng tới Thụy Sĩ, Đức và Luxembourg. Quân đội Pháp cũng dựng một bệnh viện dã chiến tại khu vực.

Tại Ouagadougou, linh mục Karambiri và vợ đổ bệnh ngày 1/3. Họ đến phòng khám địa phương xét nghiệm cho kết quả dương tính nCoV và tự cách ly đến ngày 20/3.

“nCoV là kế hoạch của quỷ dữ nhằm hủy diệt thế giới, nhưng Chúa đang dõi theo chúng ta và người sẽ dẫn đường vượt qua hoạn nạn”, ông nói trong thông điệp gửi đến các tín đồ sau khi hết thời gian cách ly.

Theo Vnexpress.net

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *