Bất chấp đại dịch, nhiều khả năng vàng sẽ tăng giá trong thời gian tới
Theo phân tích của các chuyên gia, dù lên xuống thất thường song vàng vẫn sẽ là công cụ phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều khả năng vàng sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới, thậm chí có thể chạm mức cao mới trên 2.000 USD/ounce vào năm 2021.
Từ đầu tháng 3/2020 đến nay, việc liên tục sụt giảm giá đã khiến vàng mất đi vị thế của một tài sản trú ẩn an toàn. Đây cũng chính là diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Rủi ro trong năm 2008 đã khiến vàng giảm từ hơn 1.030 USD/ounce xuống còn 681 USD/ounce; tuy nhiên ngay sau đó, giá vàng chứng kiến một giai đoạn tăng cao kỷ lục và thậm chí chạm đỉnh giá cao nhất trong lịch sử với 1.900 USD/ounce vào năm 2011.
Theo các nhà phân tích, cũng giống như khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, có nhiều khả năng giá kim loại quý này sẽ tăng vọt trở lại sau đợt giảm giá trong tháng 3/2020. Catherine Doyle – chuyên gia đầu tư tại Newton Investment Management cho biết nếu quỹ đạo của giá vàng tương tự như năm 2008, chúng ta có thể thấy được lợi ích của kim loại quý này đang dần hồi sinh, tiếp tục khẳng định vị thế của một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường có nhiều căng thẳng. Còn theo các nhà phân tích của Citigroup Inc, nếu các diễn biến trên thị trường đi theo kịch bản từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều khả năng vàng sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới, thậm chí có thể chạm mức cao mới trên 2.000 USD/ounce vào năm 2021.
Thực tế giá vàng bắt đầu tăng mạnh từ đầu giờ chiều ngày 24/3 theo giờ Việt Nam (trên 1.582,50 USD/ounce, cao hơn tới gần 100 USD so với chiều 23/3), ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố về gói kích cầu trị giá 300 tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Còn theo ông Matthew McLennan – CEO của First Eagle Investment Management, khi FED giảm dần nỗi lo thanh khoản, đưa ra những định hướng thị trường về tỷ giá cũng như khi có thể kiểm soát biểu đồ lợi suất và sự suy thoái, chúng ta có thể nhận thấy được trên toàn bộ nền kinh tế, giá trị phòng ngừa rủi ro của vàng có thể tự khẳng định lại một cách mạnh mẽ. Và để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lạm phát, các cơ quan tài chính có thể sẽ hành động mạnh mẽ hơn. “Nói chung cả thế giới đều không muốn nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát” – ông Matthew McLennan khẳng định.
Hiện tại chính quyền Tổng thống Trump đang hối thúc Quốc hội thông qua gói kích cầu tài khóa khẩn cấp trị giá lên tới 1.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19. Gói kích thích tài khóa lần này của chính phủ Mỹ cao hơn so với gói cứu trợ 900 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế cuối 2008. Điều đó cũng phần nào cho thấy ngay lúc này đây, nền kinh tế hàng thế giới cũng đang rất cần sự tiếp sức.
Theo BizC.vn