Financial Times đánh giá cao mô hình chống COVID-19 chi phí thấp ở Việt Nam
Tờ Financial Times (FT) vừa có bài viết phân tích một số khía cạnh tích cực trong công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam, đặc biệt là việc chú trọng cách ly và rà soát đối tượng tiếp xúc.
Theo ghi nhận của phóng viên thường trú Financial Times ở Hà Nội, “khi hầu hết người dân Việt Nam còn đang ăn Tết Nguyên đán thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại một cuộc họp về virus corona của Chính phủ”.
Đó là lúc dịch bệnh đang hoành hành ở biên giới với Trung Quốc và Thủ tướng đã cảnh báo dịch sẽ sớm lan đến Việt Nam. “Chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Việt Nam đã nói như vậy ngay từ cuối tháng 1.
Kể từ đó, Việt Nam – quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng quyết tâm chính trị cao – đã cho thấy mô hình phòng chống dịch bệnh của mình có hiệu quả.
Thay vì bắt tay vào xét nghiệm diện rộng, vốn là cách mà quốc gia giàu có hơn là Hàn Quốc đối phó với COVID-19, Việt Nam chú trọng cách ly những người nhiễm bệnh và tìm kiếm các đối tượng đã tiếp xúc với bệnh nhân.
“Xét nghiệm diện rộng là tốt, nhưng còn tùy thuộc vào nguồn lực của từng quốc gia. Điều quan trọng là phải nắm được số lượng người mà bệnh nhân đã tiếp xúc, hoặc những người quay về từ vùng dịch để xét nghiệm họ”, PGS.TS Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay.
Ngoài việc xét nghiệm người có triệu chứng, Việt Nam còn áp dụng cách ly bắt buộc và huy động sự chung tay góp sức của các sinh viên y khoa năm cuối, các bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu.
“Việt Nam có lực lượng an ninh lớn, chính phủ điều hành theo ngành dọc, vốn rất hiệu quả trong ứng phó với thiên tai”, giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales Canberra nhận xét.
Cuối tuần qua, Hà Nội đã bắt buộc cách ly 14 ngày đối với tất cả người nước ngoài nhập cảnh và hủy hết các chuyến bay quốc tế.
Việt Nam cho tới nay có 123 ca bệnh COVID-19 và chưa có ca tử vong nào. Hầu hết ca nhiễm gần đây là một phần của đợt lây nhiễm thứ 2 bắt nguồn từ người nước ngoài.
Tính đến ngày 20-3, Việt Nam đã xét nghiệm 15.637 người, bằng một phần nhỏ so với 339.000 người xét nghiệm ở Hàn Quốc.
Cũng như những nước Đông Nam Á khác, với việc xét nghiệm còn hạn chế, số ca nhiễm thực sự có lẽ cao hơn nhiều so với báo cáo. Nhưng phản ứng của Việt Nam vẫn rất ấn tượng.
Việt Nam đã dừng tất cả chuyến bay hai chiều với Trung Quốc vào ngày 1-2. Trường học ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành khác đều đóng cửa.
Ngày 13-2, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 sau Trung Quốc phong tỏa một khu dân cư rộng lớn. Giới chức bắt buộc cách ly 21 ngày tại một phần tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có hơn 10.000 người sinh sống sau khi có nhiều ca nhiễm đến từ công nhân trở về từ Vũ Hán – tâm dịch khi đó.
Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Hà Nội, đã ca ngợi Việt Nam vì sự chủ động và nhất quán trong suốt quá trình chống dịch.
Việt Nam đang kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 cũng nhờ một phần vào việc huy động nhân viên y tế, quân sự, mạng lưới thông tin. Các phương tiện truyền thông không ngừng đưa tin về dịch bệnh, các quan chức dường như đã minh bạch về sự bùng phát của dịch.
Bộ Y tế Việt Nam cũng gửi tin nhắn văn bản thường xuyên đến người dân, bao gồm tin tức và các lời khuyên về phòng dịch COVID-19.
Một cuộc khảo sát gần đây của Nielsen Việt Nam (công ty nghiên cứu thị trường) cho thấy hầu hết mọi người đều biết rõ triệu chứng của bệnh. Các nỗ lực đối phó với COVID-19 của chính phủ đã thu hút được sự ủng hộ của mọi người, có thể thấy thông qua các bài đăng cổ vũ nhân viên y tế trên mạng xã hội hay các tranh vẽ tuyên truyền bằng khẩu hiệu: “Ở nhà là yêu nước!”.
Việt Nam cũng nặng tay với các tin tức giả về dịch bệnh. Cảnh sát đã triệu tập và phạt khoảng 800 người chia sẻ tin giả.
Mạng lưới cung cấp thông tin của Việt Nam cũng rất hiệu quả. “Hàng xóm sẽ biết ngay nếu bạn vừa trở về từ nước ngoài”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm – nội thần kinh Bệnh viên Nhi đồng 1 TP.HCM, nhận định với Financial Times. “Nếu có người bị nhiễm trong khu vực, hàng xóm chắc chắn sẽ báo cáo”.
Theo tuoitre.vn