Nhà nước cần theo sát các diễn biến để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua thách thức hiện tại, từ đó, tác động tích cực đến nền kinh tế trong thời gian tới.
Cuối ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh một loạt lãi suất điều hành ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0-0,25%/năm chỉ trong vòng 2 tuần. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đã có các động thái tương tự.
Trước đó, ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, văn bản hóa các chỉ đạo trước đó trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, quyết định của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với diễn biến thị trường quốc tế, áp lực lạm phát đã giảm bớt do giá dầu giảm mạnh và đặc biệt là được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước đã được củng cố vững chắc trong những năm qua.
“Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp cần tiếp cận vốn”, ông Hà cho biết. Bên cạnh đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, qua đó tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Các giải pháp trên được giới chuyên gia tài chính, cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá tích cực. Bởi lẽ, định hướng chính sách này dựa trên nguyên tắc hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm chi phí ở 2 kênh, giảm lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi và giảm phí giao dịch cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia tài chính, dù các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư nhưng có thể kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ giúp ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới.
Chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn rẻ tốt hơn. Tác dụng của việc giảm lãi suất điều hành mang tính trung, dài hạn, chủ yếu tác động tới các khoản vay mới.
Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay yếu do kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp có tâm lý chờ cơ hội, đặc biệt là chờ gói kích thích của Chính phủ, chờ dịch bệnh kiểm soát xong… Do vậy, việc khoanh, giãn nợ và các chính sách miễn, giãn thuế, phí khác sẽ mang tính hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp hơn trong thời điểm này.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), nhiều gói giải pháp được các ngân hàng thương mại đưa ra như xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất, với tổng giá trị các gói tín dụng khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng.
Cũng liên quan tới việc hỗ trơ doanh nghiệp, trước tình hình nhiều nước châu Âu đã thông báo kế hoạch đóng cửa biên giới, ông Tạ Hoàng Linh-Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) khẳng định việc này hoàn toàn chưa ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá.
Cũng theo ông Tạ Hoàng Linh, quan điểm của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) cũng nêu rõ “không để biện pháp đóng cửa biên giới ảnh hưởng tới thị trường chung. Đây là yêu cầu then chốt trước bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp”.
Tuy nhiên, ông Tạ Hoàng Linh chia sẻ thêm rằng, hiện chưa thể khẳng định việc đóng cửa biên giới sẽ ảnh hưởng như thế nào. Bởi việc hàng không chỉ cấm người nhưng hàng hoá vẫn vận chuyển bình thường.
Dù vậy tác động lớn nhất ở đây chỉ có thể là nhu cầu giảm, người dân châu Âu chỉ ngồi nhà và không có nhu cầu mua sắm giày dép, quần áo, đồ gỗ, điện thoại…, những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang giao các Thương vụ theo sát vấn đề này và báo cáo về Bộ trong thời gian sớm nhất để xây dựng kịch bản cụ thể.
Tại các địa phương, theo ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp khu Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đơn vị này đã phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp – Khu chế xuất thành phố thực hiện khảo sát nhanh 200 doanh nghiệp để nắm bắt tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TP. Hồ Chí Minh, đầu tháng 4/2020, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ tạm ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Hiện nguồn nguyên vật liệu dự trữ phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp gần hết.
Ở lĩnh vực du lịch, theo báo cáo của 50 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tổng khách trong 2 tháng đầu năm 2020 tính cả khách quốc tế và nội địa là 335.762 lượt, giảm 62% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, UBND Thành phố chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi vay hoặc giãn nợ đối với những khoản vay đến hạn mà doanh nghiệp chưa trả nợ gốc; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, giãn nộp thuế, chậm nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất…; đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài; giúp đa dạng hóa thị trường, tìm nguồn nguyên liệu thay thế…
Cũng tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Bất động sản Thành phố (HoREA) đã kiến nghị bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng của tháng 3-6/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng đó, HoREA đề nghị xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp bất động sản; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với những khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Trước những khó khăn này, mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op).
Theo BizC.vn