Doanh nghiệp nói cung ứng đủ, khẩu trang vải vẫn khó mua
Lệch pha cung cầu đang dẫn tới thực tế, doanh nghiệp tự tin đáp ứng nhu cầu khẩu trang cả nước, thậm chí xuất khẩu nhưng người dân lại không mua được.
Những nghịch lý trong câu chuyện cung – cầu khẩu trang vải kháng khuẩn vừa được nhiều doanh nghiệp nêu tại cuộc họp chiều 17/3 của Bộ Công Thương.
Ông Ngô Khải Hoàn – Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đến hết tháng 3, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã cung ứng ra khoảng 57 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn và năng lực sản xuất có thể nâng lên 100 triệu chiếc. Chưa kể, Việt Nam không thiếu vải để sản xuất khẩu trang.
Mặt khác, các nhà máy sợi, dệt của Trung Quốc đã sản xuất lại, nên nguồn vải từ thị trường này cũng bắt đầu nhập về Việt Nam. Bình quân năng suất may khẩu trang mỗi lao động là 150 chiếc một ngày. “Ngành may trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu khẩu trang trong nước, xuất khẩu”, ông Hoàn nói.
Tuy nhiên, thực tế hiện tượng người dân phải xếp hàng dài nhiều giờ, chầu chực mua khẩu trang vải vẫn diễn ra. Tại một số điểm bán của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, người dân xếp hàng và chỉ được mua 5-10 chiếc một người. Chưa kể, từ 16/3, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tới các địa điểm công cộng như siêu thị, sân bay, nhà ga… nên khẩu trang càng trở thành mặt hàng được săn tìm.
Lý giải điều này, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp nói, tình trạng khan hàng do “thiếu nhịp nhàng giữa cung, cầu, thiếu thông tin nhà cung ứng và điểm bán khẩu trang đạt tiêu chuẩn”. Phần lớn doanh nghiệp dệt may trước đây không sản xuất khẩu trang, chủ yếu gia công theo đơn hàng. Bản thân họ cũng không có kênh phân phối trong nước nên không biết sản xuất ra để bán cho ai.
Do đó, lãnh đạo Cục Công nghiệp đề xuất hai phương án. Một là đề nghị Chính phủ hỗ trợ kết nối và cung cấp thông tin để thị trường tự điều tiết. Hai là, Chính phủ đặt hàng mua khẩu trang vải hoặc đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp sản xuất.
“Chính phủ và bộ ngành dùng ngân sách Nhà nước và địa phương cung ứng khẩu trang, bán cho dân. Sản xuất theo đơn đặt hàng và có kế hoạch sẽ thuận lợi hơn nhiều và người dân sẽ ưu tiên mua khẩu trang vải kháng khuẩn”, ông Hoàn nói.
Về đề xuất này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ cân nhắc để báo cáo Chính phủ có cơ chế đặt hàng nhưng có thể chỉ phát cho các đối tượng người già, người có bệnh nền, hộ nghèo khó khăn…
Ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may cũng cho rằng, cần có cơ quan đầu mối đặt hàng doanh nghiệp, kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng thì việc cung cấp khẩu trang cho toàn dân “không có gì lo lắng”.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất, họ cam kết cung ứng đủ khẩu trang vải trong mùa dịch. Ông Cao Hữu Hiếu – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tập đoàn này đã cung ứng khoảng 31,5 triệu chiếc. Riêng Công ty Dệt kim Đông Xuân (đơn vị thành viên của Vinatex) tung ra hơn 10 triệu chiếc, tính đến hết tháng 3. Việc nâng công suất sản xuất khẩu trang, theo ông Hiếu, không khó khăn khi họ chủ động được nguồn vải.
Còn theo ông Đào Văn Phương – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định, sau 2 tuần, đơn vị này cung ứng 3 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn và có thể tăng lên 10 triệu chiếc. Song nhu cầu đặt hàng thiếu tập trung, khiến ở nhiều thời điểm cung không đáp ứng cầu.
Mặt khác, ngoài sản xuất khẩu trang, doanh nghiệp dệt may còn có đơn hàng gia công may mặc với các đối tác. Nếu tập trung sản xuất khẩu trang sẽ buộc công nhân làm thêm giờ. Để không bị phạt quá giờ làm thêm theo quy định mới của Luật Lao động, ông Phương đề nghị, Bộ Công Thương có phương án gỡ khó để họ an tâm sản xuất.
Theo vnexpress.net