Doanh nghiệp Nhà nước chịu không thấu “bão” Covid – 19, xin Chính phủ tiếp sức

Giữa lúc dịch bệnh kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp Nhà nước bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ thiết thực tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn…

Báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết ảnh hưởng đến từ dịch bệnh Covid-19 có thể khiến tổng sản lượng vận chuyển hành khách thông qua toàn mạng cảng ước giảm 35 triệu lượt khách trong năm 2020. Điều này có thể khiến cho lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV chỉ đạt 1.700 tỉ đồng, giảm hơn 6.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm. Trước tình hình đó, ACV kiến nghị Tổ công tác trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với hai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống sân đường khu bay tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài để có thể đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác khi thị trường hồi phục trở lại và an toàn hoạt động bay. 

Về phía Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh, Vinalines cũng đã kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xóa dư nợ lãi vay của các tàu vay mua đóng mới, khoanh nợ gốc và các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp của Tổng công ty, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, khoan nợ gốc khi chưa xử lí nợ. Ngoài ra Vinalines nhờ Bộ Công Thương làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, hiệp hội và chủ hàng Trung Quốc để kêu gọi sử dụng dịch vụ vận tải biển của Việt Nam khi các cửa khẩu đường bộ bị đóng cửa.

Hàng không là ngành được dự báo là chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh này do sụt giảm của lượng khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa ở hầu hết các chặng bay. Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng đến hoạt động kinh doanh của hãng. Vietnam Airlines đã đưa ra 3 kịch bản khác nhau về tình hình dịch bệnh, trong đó dự báo sẽ bị ảnh hưởng đến cuối tháng 5, đầu tháng 6. Nếu dịch còn kéo dài thì tình hình của hãng còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Theo đó, ông Minh đưa ra kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam xem xét giảm 50% phí hạ cất cánh điều hành bay trong thời gian dịch bệnh với các hãng hàng không Việt Nam; có cơ chế giảm thuế nhập khẩu, thuế môi trường đối với nhiên liệu của máy bay trong thời gian có dịch; xem xét lùi thời gian nộp các khoản ngân sách trong thời gian dịch bệnh để cân đối nguồn lực, kiến nghị các bộ, ngành nới lỏng chính sách visa để thu hút du khách, hỗ trợ du lịch.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch. Cơ quan này đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ kinh tế trong bối cảnh dịch virus corona diễn biến phức tạp. Cụ thể là hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch, như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay,… Ngoài ra, cần có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch. Các biện pháp hỗ trợ như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu…

Hồi đầu tháng 2, Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid – 19 đối với thu ngân sách nhà nước. Báo cáo cho thấy năm 2019 kim ngạch xuất khẩu với Trung Quốc đạt 41,4 tỷ USD chiếm 15,7%/tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (264,09 tỷ USD); kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 75,5 tỷ USD chiếm 29,8%/tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước (253,07 tỷ USD). Số thuế phải thu từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc trong năm 2019 đạt khoảng 84.500 tỷ đồng chiếm khoảng 24,2% số thu của ngành Hải quan. Do đó Bộ Tài chính lưu ý nếu dịch bệnh kéo dài sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và số thu ngân sách nhà nước.

Theo tính toán, những ngành có thể chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất gồm: dệt may (nhập khẩu sợi, vải), điện tử, tiêu dùng (linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc). Tuy nhiên, việc gián đoạn nguồn cung tiềm tàng này có thể chỉ mang tính tạm thời và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sớm được phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại điện tử có thể được ưu tiên lựa chọn. Khi người dân giảm nhu cầu đi mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, thì nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát có thể gia tăng.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Bộ Tài chính đánh giá trong ngắn hạn đến thời điểm hiện tại, cũng có một số tác động đến thị trường bảo hiểm song không đáng kể, không làm tăng giá cả. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng tại Việt Nam và kéo dài, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải tăng chi phí bồi thường bảo hiểm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, do đó các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải điều chỉnh tăng phí bảo hiểm. Ngoài ra nếu thị trường chứng khoán sụt giảm cũng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo BizC.vn

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *