Một tháng xáo trộn kinh tế toàn cầu của virus corona

Sản xuất, dịch vụ bị “đứt gãy” ở nhiều nơi, chứ không riêng Trung Quốc trong khoảng một tháng dịch viêm phổi được công bố rộng rãi.

Năm 2003, lúc dịch SARS tấn công Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu vẫn tương đối bình thường. Nhưng gần hai thập kỷ sau, khi thế hệ virus corona mới cũng hoành hành tại đây, kinh tế thế giới lại chịu xáo trộn nhiều hơn bởi sự phát triển bùng nổ của Trung Quốc.

Sức mạnh tiêu dùng và sản xuất của nước này ảnh hưởng đến khắp châu Á, tận Bắc Mỹ, châu Âu và hơn thế. Các nhà sản xuất trên toàn thế giới bị ràng buộc với Trung Quốc bởi chuỗi cung ứng phức tạp, nơi mà các nhà máy nước này chịu trách nhiệm cung cấp nguyên vật liệu hoặc thành phẩm.

Một góc ga tàu Hồng Kiều tại Thượng Hải hôm 18/2. Ảnh: Reuters

Để hạn chế lây lan, nhiều công nhân Trung Quốc không thể rời khỏi nhà, khiến sản xuất trì trệ. Tại Mỹ, General Motors đã cảnh báo việc thiếu các bộ phận do Trung Quốc sản xuất có thể làm chậm dây chuyền lắp ráp tại các nhà máy SUV ở Michigan và Texas. Công ty cho biết đang tìm cách giảm thiểu rủi ro. Câu chuyện cũng tương tự ở những nơi xa xôi khác.

Mostafiz Uddin, chủ một hãng sản xuất quần jean ở thành phố Chittagong, phía đông nam Bangladesh, cho biết không thể thực hiện đơn đặt hàng cho 100.000 quần jean nữ vì thiếu vải từ Trung Quốc. “Tôi chỉ chờ đợi”, ông nói “Chúng tôi không có lựa chọn nào”.

Một tháng sau khi dịch viêm phổi buộc các nhà máy tại Trung Quốc tiếp tục đóng cửa sau đợt Tết Nguyên đán, số ít đang dần mở lại. Tuy nhiên, nhiều quan chức và nhà kinh tế cảnh báo việc Trung Quốc ngừng hoạt động có thể làm tê liệt sản xuất toàn cầu, khiến thế giới mất đến 1.000 tỷ USD.

“Tình hình hiện tại nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói hôm thứ ba (18/2). “Chúng ta cần phải thực hiện các bước khẩn cấp trong thời gian khẩn cấp này”, ông tuyên bố.

Hyundai Motor, sau khi đóng cửa một số nhà máy Trung Quốc vào đầu tháng 2, đã đình chỉ một trong những dây chuyền lắp ráp chính tại Ulsan (Hàn Quốc), do không thể nhận được các bộ phận từ Trung Quốc. Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai Hàn Quốc, cho 10.500 nhân viên làm việc luân phiên với 10 ngày nghỉ không lương từ hôm 19/2.

Nhà kinh tế Taro Saito của Viện nghiên cứu NLI cho biết, xuất khẩu Nhật Bản sang Trung Quốc dự kiến giảm 7% trong quý này so với quý cuối năm ngoái. Công ty trò chơi điện tử khổng lồ Nintendo nói một số lô hàng của máy chơi game Switch bị trì hoãn vì không thể nhận được linh kiện từ các nhà máy Trung Quốc.

Sau hai năm căng thẳng thương mại với Mỹ, dịch viêm phổi có thể gây thêm áp lực kinh tế cho Trung Quốc. Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, các nước phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc có thể mất đi 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng GDP năm nay vì Covid-19.

Theo ước tính của McKinsey Global Institute, Trung Quốc hiện chiếm gần một phần ba tăng trưởng GDP thế giới, tăng từ khoảng 3% vào năm 2000. Từ năm 2000 đến 2017, tỷ lệ phụ thuộc của kinh tế thế giới vào nước này tăng 3 lần.

Sự phụ thuộc gia tăng mạnh nhất ở châu Á. Theo World Bank, năm 2000, Trung Quốc chỉ chiếm 1,2% thương mại toàn cầu. Đến 2018, thị phần của họ là một phần ba. Ở châu Á, thị phần đã tăng từ 16% đến 41% trong giai đoạn này.

Hành khách đeo khẩu trang trên một chuyến tàu ở Seoul hôm 20/2. Ảnh: Reuters

Tác động được cảm nhận ở khắp mọi nơi. Apple cho biết không thể đạt được mục tiêu doanh thu trong quý này khi dịch bệnh làm đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc. Tại châu Âu, các nhà khai thác tàu container đang chuẩn bị cảnh báo giảm lợi nhuận khi hàng chục chuyến tàu từ Trung Quốc bị hủy bỏ.

Sự đóng băng về lượng du khách từ Trung Quốc giáng đòn mạnh vào các khách sạn và nhà bán lẻ phụ thuộc vào chi tiêu của họ tại Mỹ. Các nền kinh tế châu Á phát triển phụ thuộc vào du khách và thương mại Trung Quốc đang quay cuồng. Singapore tuần trước đã cắt giảm dự báo GDP năm nay xuống khoảng 0,5%, giảm từ 1,5%. Thái Lan ước tính lượng khách du lịch có thể giảm 13% trong năm nay vì mất nhiều khách Trung Quốc.

Tại Việt Nam, xuất khẩu tháng trước đã giảm 17,4% so với cùng kỳ, xuống mức thấp thứ hai kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu. Nhập khẩu đã giảm 13,7%, dẫn đầu là mức giảm 16% từ Trung Quốc.

Từ thép đến đồ nội thất, Việt Nam nhập nhiều nguyên liệu bán thành phẩm từ Trung Quốc, sau đó xuất khẩu thành phẩm. Hơn 50% các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng do sự gián đoạn từ virus corona, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho biết.

Australia, với nền kinh tế lớn gấp sáu lần Việt Nam, cũng đang cảm nhận được những ảnh hưởng. Hai thập kỷ trước, Trung Quốc là đối tác thương mại đứng sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng khi Bắc Kinh ồ ạt đầu tư vào công nghiệp, “cơn đói” của Trung Quốc đã hút các lô hàng quặng sắt và than từ nước này. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm gần 40% xuất khẩu của Australia.

BHP Billiton, công ty khai thác lớn nhất thế giới, cho biết sẽ hạ kỳ vọng đối với tăng trưởng nhu cầu hàng hóa nếu dịch bệnh không được đẩy lùi vào cuối tháng 3 tới.

Suy thoái cũng đã tràn sang các ngành công nghiệp phụ trợ. WiseTech Global, có trụ sở tại Sydney, nơi cung cấp phần mềm dựa trên nền tảng điện toán đám mây, đã hạ mức dự báo doanh thu năm 2020 vào hôm 19/2. Công ty cho biết việc ngừng hoạt động ở Trung Quốc đã buộc họ trì hoãn tung ra các tính năng sản phẩm mới, vốn được hy vọng sẽ giúp tăng doanh thu.

“Đây là sự kiện một lần trong đời”, CEO Richard White của WiseTech Global nói.

Theo vnexpress.net

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *