Động thái bất thường của Apple
Việc Apple thừa nhận dịch viêm phổi cấp Covid-19 đang ảnh hưởng tới doanh thu được đánh giá là động thái hiếm hoi của hãng.
Ngày 17/2, Apple cho biết sẽ không đạt được mục tiêu kinh doanh của quý đầu năm 2020 do dịch bệnh khiến họ thiệt hại cả về mặt sản xuất lẫn kinh doanh sản phẩm.
Theo New York Times, với Apple, việc chủ động đưa ra cảnh báo là điều “rất bất thường”. Họ là một trong những hãng đạt lợi nhuận cao nhất thế giới và đang có số tiền mặt hơn 200 tỷ USD. Lần gần nhất Apple giảm dự báo doanh thu là vào tháng 1/2019 – cũng là lần đầu tiên sau 16 năm – do nhu cầu mua sắm iPhone sụt giảm tại Trung Quốc.
Apple hiện phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy Trung Quốc để lắp ráp điện thoại. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng là thị trường quan trọng thứ hai của hãng chỉ sau Mỹ. Thế nhưng, Apple đã phải đóng 42 cửa hàng trên khắp nước này.
“Mọi người đang bắt đầu quay lại công việc ở Trung Quốc nhưng để mọi thứ trở về bình thường sẽ lâu hơn chúng tôi kỳ vọng”, Apple nói.
Không chỉ Apple, nhiều công ty toàn cầu đang sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc. Người dùng Trung Quốc cũng tiêu thụ mạnh mẽ các mặt hàng từ đôi tất cho tới iPhone và những món đồ xa xỉ nhất.
Nỗi lo sợ dịch viêm phổi ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế toàn cầu. Tính đến 19/2 đã có 75.184 ca nhiễm nCoV và 2.009 người chết. Theo thống kê của New York Times, khoảng 3/4 số tỷ phú ở Trung Quốc đang trong tình trạng hạn chế đi lại.
Khi dịch bệnh bùng phát, mạng lưới nhà máy khổng lồ ở Trung Quốc, chiếm tới 1/4 lượng sản xuất trên toàn cầu, chao đảo và hoạt động chậm chạp. Hãng xe Fiat Chrysler phải đóng cửa nhà máy ở Serbia vì thiếu linh kiện từ Trung Quốc. Airbus cho biết dây chuyền lắp ráp máy bay của họ đang chững lại trong khi các công ty như General Motors và Toyota bắt đầu hạn chế sản xuất vài ngày qua.
Các trung tâm mua sắm ở Trung Quốc trở nên hoang vắng, đe dọa nghiêm trọng tới doanh thu của hàng loạt thương hiệu toàn cầu. Một số hãng hàng không quốc tế như Delta, United, Lufthansa, British Airways đã hủy chuyến tới Trung Quốc trong khi chuỗi khách sạn toàn cầu ế ẩm vì khách du lịch từ quốc gia đông dân nhất thế giới giảm mạnh.
Trong khi đó, Apple đặt cược lớn vào Trung Quốc suốt hơn một thập kỷ qua. Nhà máy Foxconn chịu trách nhiệm sản xuất iPhone và các sản phẩm khác của Apple cũng như của hàng loạt công ty điện tử khắp thế giới. Foxconn từ chối công bố chi tiết những nhà máy nào đã mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết, nhưng cũng phủ nhận báo cáo rằng tính đến cuối tháng này, họ chỉ đạt 50% sản lượng so với kế hoạch. Không có nhà máy sản xuất iPhone nào được đặt ở tỉnh Hồ Bắc, nơi bùng phát dịch viêm phổi cấp Covid-19.
Tháng trước, Apple dự báo doanh thu tăng 9-15% trong quý đầu 2020. Khi đó, Tim Cook giải thích khoảng chênh lệch trong dự đoán rộng hơn bình thường do không chắc chắn về những hậu quả từ dịch Covid-19. Doanh thu quý I/2020 của Apple thường phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc bởi Tết là dịp mọi người chi tiền mua sắm quà tặng, trong đó có sản phẩm Apple.
Trong số 42 cửa hàng của Apple ở Trung Quốc, mới chỉ 7 cửa hàng được mở lại với thời gian hoạt động hạn chế.
Ngay cả khi các nhà máy sản xuất iPhone đạt năng suất như bình thường, họ vẫn đối mặt với nhiều thách thức do phụ thuộc vào mạng lưới các nhà cung ứng linh kiện ở đây. Tất cả các nhà cung ứng này cần vượt qua đợt kiểm tra gắt gao của chính phủ về điều kiện làm việc, cách ly các ca nghi nhiễm hiệu quả… mới có thể hoạt động trở lại.
Apple đưa ra cảnh báo suy giảm ngay sau khi trải qua một quý đầy thành công. Trong ba tháng cuối năm 2019, doanh thu của hãng tại Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhờ sự phổ biến của iPhone 11.
“Apple về cơ bản vẫn rất mạnh, sự suy giảm này chỉ là tạm thời”, Apple khẳng định.
Theo Vnexpress.net