Thách thức đan xen cơ hội khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020
Thách thức lớn nhất đến từ nội tại ASEAN. ASEAN đã đi một chặng đường thành công và khi giữ vai trò chủ tịch chúng ta cũng phải giữ được sự thành công này. Năm nay Việt Nam kỷ niệm 25 năm gia nhập ASEAN và đảm nhận vai trò Chủ tịch của Hiệp hội. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho dấu mốc quan trọng này.
Chuẩn bị kỹ càng cả tâm thế và thực tế
Đại sứ nhấn mạnh, đó là tâm thế và hai là những chuẩn bị cụ thể. Về tâm thế, trong mấy chục năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến rất dài. Thứ nhất là sự vững mạnh cả về kinh tế, chính trị và các lĩnh vực khác nhờ công cuộc đổi mới. Thứ hai, Việt Nam không chỉ trong hội nhập ASEAN mà còn hội nhập quốc tế rất sâu rộng, tham gia những FTA chất lượng cao và tiêu chuẩn cao hơn.
“Chúng ta đã chuẩn bị tâm thế nên chúng ta mới đề ra được chủ đề của năm ASEAN 2020 – Gắn kết và Chủ động thích ứng. Ở đây, tôi nghĩ ‘gắn kết’ còn vượt lên trên đoàn kết, mà là tạo sức mạnh vừa đồng thuận vừa là sức mạnh nội khối của ASEAN liên kết trên cả 3 trụ cột.
Còn ‘thích ứng’ bao gồm cả thích ứng của ASEAN với bên ngoài. Chuyển biến mang đến cả khó khăn lẫn thuận lợi. Chẳng hạn cách mạng khoa học công nghệ nếu không theo kịp anh sẽ bị thụt lùi, nhưng nếu nắm bắt kịp thì sẽ đưa đất nước, khu vực vượt lên”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
Đánh giá về những thách thức, khó khăn khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, thách thức lớn nhất là thách thức từ nội tại ASEAN. Đến giờ ASEAN đã đi một chặng đường được coi là thành công và khi giữ vai trò chủ tịch, Việt Nam cũng phải giữ được sự thành công này. Trong khi đó ASEAN đang vào giai đoạn hội nhập cao hơn, đặt ra những yêu cầu về cải cách trong nước.
Thứ hai là đứng trước cạnh tranh giữa các nước lớn làm sao ASEAN đoàn kết được, đặt ra vai trò của chủ tịch phải thúc đẩy tham vấn với các nước tìm mẫu số chung.
Thứ ba là bối cảnh cả thách thức và cơ hội đan xen khi nền kinh tế thế giới chuyển đổi dưới cách mạng số và cách mạng khoa học công nghệ, không đạt được điều này thì ASEAN không tiến được, từng nước không tiến được và bị tụt hậu với thế giới, nhưng không phải nước nào cũng đã sẵn sàng cho nền kinh tế số.
Thách thức bao gồm cả về an ninh, cả về kinh tế nhưng thách thức đan xen với cơ hội. Do đó làm sao Việt Nam vừa trụ được, ứng phó với thách thức nhưng quan trọng hơn là phải tranh thủ cơ hội.
Khẳng định vị thế mới Việt Nam
Theo GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam gặp nhiều thách thức nhưng cơ hội cũng rất lớn.
Thứ nhất, về mặt chính trị, có thể nói so với tất cả các nước trong khu vực, Việt Nam có một nền chính trị tương đối ổn định, uy tín, vị thế của Việt Nam đã cao hơn rất nhiều. Các nước ủng hộ Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ ta thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN.
Năm nay, Việt Nam không chỉ giữ vị trí Chủ tịch ASEAN mà còn cả vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lần thứ hai. Hai nhiệm vụ đó hỗ trợ cho nhau, làm tốt ở bình diện khu vực sẽ hỗ trợ cho bình diện quốc tế, toàn cầu và ngược lại.
Thứ hai, về mặt kinh tế, có thể nói trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua thành công về mặt kinh tế của Việt Nam rất rõ ràng.
Văn hóa xã hội cũng vậy, sự khôi phục các giá trị văn hóa, sức sống của một nền văn hóa càng được thể hiện rất rõ trong bối cảnh mới, những giá trị văn hóa vẫn được bảo vệ.
Những thắng lợi chung về mặt chính trị, kinh tế và văn hóa nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam cũng tự tin hơn sau lần đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2010, đã tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh, đội ngũ các nhà quản lý, đặc biệt là các nhà ngoại giao dày kinh nghiệm và có khả năng gắn kết.
“Tôi cho rằng, Việt Nam đưa ra chủ đề ‘gắn kết và chủ động thích ứng’ rất phù hợp, thể hiện mối quan tâm của chúng ta vẫn phải là gắn kết cộng đồng của ASEAN bởi còn tồn tại sự khác biệt, bởi có những sự lo ngại về việc tác động của các nước lớn. Sự gắn kết sẽ đem lại thành công cho cả hiệp hội. Còn ‘chủ động thích ứng’ là bởi thế giới đang thay đổi rất nhanh thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Vì vậy, đưa ra được chủ đề mà các nước khác đồng ý, nhất trí, đồng tình cũng là một thuận lợi để chúng ta có thể đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch năm 2020”, Giáo sư Phạm Quang Minh đánh giá.
Theo BizC.vn