Người dân tự tìm thuốc HIV để chống virus corona
Do chưa có phương pháp đặc trị, nhiều người Trung Quốc lùng mua thuốc trị HIV với hy vọng giúp họ sống sót qua dịch bệnh.
Chưa có phương thuốc nào thực sự hiệu quả để chữa trị cho những người nhiễm virus corona, và đến ngày 7/2, dịch bệnh cướp đi sinh mạng của 638 người. Dù chưa có bằng chứng thử nghiệm lâm sàng, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết thuốc lopinavir/ritonavir, vốn được sử dụng cho bệnh nhân HIV, cũng có thể được sử dụng cho bệnh nhân nhiễm virus corona tuy chưa giải thích về cơ chế điều trị.
Điều đó đã gây ra một cơn sốt, đặc biệt đối với thuốc Kaletra, còn được gọi là Aluvia. Đây chính là lopinavir/ritonavir được bán dưới tên thương mại là Kaletra và là loại thuốc chống HIV duy nhất bán tại Trung Quốc.
Devy, 38 tuổi, đến từ tỉnh Sơn Đông cho biết anh là một trong số hàng trăm người đã cố tìm cách liên lạc với những người bị nhiễm HIV để xin loại thuốc này.
Mặc dù gần đây anh không hề đến tỉnh Hồ Bắc hoặc thành phố Vũ Hán – tâm điểm của dịch corona, nhưng anh vẫn lo rằng mình có thể đã bị nhiễm corona vì có các triệu chứng như sốt và buồn nôn. Trong lúc cảm thấy tuyệt vọng, Devy biết được một người đàn ông mắc HIV, có biệt danh là Brother Squirrel, đang cung cấp Kaletra miễn phí cho những người nghi nhiễm virus corona. Anh đã đến và nhận được khoảng 30 viên thuốc.
Ngay cả sau khi nhận được kết quả được xét nghiệm âm tính với virus, Devy vẫn tin rằng, việc tìm thuốc HIV là một lựa chọn đúng đắn.
“Lá lành đùm lá rách”
Chia sẻ với Reuters, Brother Squirrel, tên thật là Andy Li, cho biết, sau khi nghe các cơ quan y tế Trung Quốc đưa ra gợi ý về phương thuốc chữa trị cho bệnh nhân corona là một loại thuốc HIV, ông và một số bệnh nhân HIV khác đã thu gom khoảng 5.400 viên Kaletra trong vòng chưa đầy một tuần. Sau đó, họ đăng tin lên Weibo.
Andy cho rằng, nhóm của mình như “đang thực hiện một nhiệm vụ quân sự” vậy. Hàng trăm tin nhắn đã gửi đến và ông hầu như chẳng có thời gian ăn ngủ trong 3 ngày đầu tiên vì bận gửi thuốc cho những người cần.
“Có rất nhiều người cần thuốc và tôi không muốn lãng phí thời gian. Thời gian chính là mạng sống lúc này”, ông chia sẻ thêm.
Có thể những người kia cũng chỉ nghe tin theo kiểu truyền tai mà phớt lờ cảnh báo của ngành y tế Trung Quốc rằng lopinavir/ritonavir (thường chỉ bán theo toa) còn đi kèm các tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, nôn và tổn thương gan.
Mối lợi nhuận khổng lồ
Bên cạnh những nhà hảo tâm như Andy, cơn sốt thuốc HIV đã mở ra cơ hội kiếm tiền cho rất nhiều người.
Hơn 28.000 người đã được xác nhận bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc, đa số ở Vũ Hán và Hồ Bắc. Tuy nhiên, sự thiếu hụt các bộ dụng cụ xét nghiệm đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng trên thực tế sẽ có nhiều ca mắc bệnh mà vẫn chưa được chẩn đoán.
Gatsby Fang, một tay buôn hàng xuyên biên giới ở Trung Quốc cho biết, ông đã đặt mua Kaletra từ Ấn Độ vào ngày 23/1, ngay sau khi có thông tin cho rằng loại thuốc này có thể giúp chống lại virus corona.
Gatsby tiết lộ mỗi lọ 60 viên ông bán giá 600 nhân dân tệ (khoảng 2 triệu đồng), lời ra khoảng 200-300 nhân dân tệ một lọ. Trước đây, một lọ Kaletra chỉ có giá 100 nhân dân tệ thì giờ cũng tăng giá lên 300-400 nhân dân tệ. Chỉ sau 2 ngày nhập hàng, ông đã bán sạch trơn. Có nhiều khách hàng còn đặt mua tới 600 lọ một lúc.
Theo tiểu thương này, khách hàng khá đa dạng, từ bệnh nhân bị nhiễm bệnh, các bác sĩ tuyến đầu ở Hồ Bắc đến những người không mắc bệnh nhưng vẫn mua để dự phòng. Ngoài ra, cũng có nhiều người giả vờ mắc bệnh đến mua thuốc để bán lại ăn chênh lệch.
Tuy nhiên, ông cho rằng, đa phần khách hàng là những người không được tiếp nhận điều trị cũng như chưa được xác nhận chính xác liệu họ có bị nhiễm virus corona hay không.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng hiện vẫn chưa tìm ra phương pháp đặc trị nào đối với chủng virus mới này.
Theo vnexpress.net