Trong vòng xoáy đại dịch, biên giới im lìm, hàng hóa ứ đọng
Phía Trung Quốc bắt đầu hạn chế hoạt động xuất, nhập khẩu nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hoá, nhất là mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam.
Lo lắng vì ế hàng
Dịch bệnh corona diễn biến phức tạp tác động mạnh đến hoạt động giao thương, trong đó có xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu trái cây lo lắng: “Virus corona bùng phát, những DN như chúng tôi rơi vào cảnh điêu đứng bởi kế hoạch thu mua cũng như những hợp đồng khách hàng Trung Quốc đã ký kết đều bị hủy bỏ”.
“Thậm chí, có những lô hàng sản phẩm đã cắt rồi dự định xuất đi hoặc đang trên đường xuất đi Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Không chỉ thanh long, ngay cả xoài hay sầu riêng là những loại trái cây chưa được Trung Quốc cấp phép cho nhập khẩu chính ngạch cũng bị ảnh hưởng lớn. Doanh nghiệp bị tồn kho, tổn thất nặng nề”, doanh nghiệp này chia sẻ.
Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, do tình hình dịch corona nên phía Trung Quốc đang tạm dừng hoạt động khu chợ biên mậu dành cho cư dân biên giới, vì vậy hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai (cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành) trầm lắng, nhất là hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
Thống kê từ Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, dịch corona đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 22/1 (ngày 28 Tết) đến hết ngày 28/1 (ngày mùng 4 Tết) các đơn vị cửa khẩu đã làm thủ tục cho 22.432 lượt hành khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng và cửa khẩu Chi Ma. Con số này giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2019).
Các đơn vị cửa khẩu cũng đã làm thủ tục cho 242 bộ tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu với kim ngạch đạt 4,7 triệu USD, giảm khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2019.
Điều đó khiến thu ngân sách của Cục Hải quan Lạng Sơn giảm mạnh. Tính từ đầu tháng đến ngày 30/1, thu ngân sách của đơn vị này mới đạt 162 tỷ đồng, giảm tới 40,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tình hình này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới do phía Trung Quốc thông báo từ 31/1 (tức mùng 7 Tết) đến hết ngày 8/2 (Rằm tháng Giêng) sẽ đóng cửa các cặp chợ, các cửa khẩu phụ, tạm dừng các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở Lạng Sơn. Riêng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sẽ thông quan hàng hoá từ ngày 10 tháng Giêng.
Điều này khiến một số mặt hàng nông sản đang vào vụ như thanh long, dưa hấu lâm cảnh ế ẩm, rớt giá thê thảm. Ví dụ, virus corona khiến giá thanh long miền Tây từ 37.000 đồng/kg rớt còn 5.000 đồng
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết tại cuộc họp ngày 31/1 của Bộ: “Do phía Trung Quốc bắt đầu hạn chế hoạt động xuất, nhập khẩu nên có ảnh hưởng nhất định đến việc tiêu thụ hàng hoá, nhất là mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam”.
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi chia sẻ: Việc Trung Quốc thông báo tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hoá của hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây với Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất trái cây Việt Nam sang Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã huỷ hợp đồng nhập khẩu hoặc chậm thực hiện đơn hàng nhập khẩu đã ký kết. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hạn chế việc đi lại của người dân nên ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, dịch vụ trong nước.
“Ngay cả kế hoạch tổ chức 3 đoàn công tác của Cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam để trao đổi, hoàn tất báo cáo về mở cửa thị trường đối với sản phẩm tổ yến thực hiện vào tháng 2 và 3 tới đây cũng có thể phải hoãn lại” – đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho hay.
Tìm thị trường mới
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch bệnh sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ở 3 phương diện.
Một là xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Hai là giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước. Ba là tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo đại diện Bộ Công Thương, cùng với việc tiếp tục duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, cần nghiên cứu tìm thị trường xuất khẩu thay thế cho hàng hoá của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng nông, thuỷ sản. Điển hình như với mặt hàng gạo sẽ tập trung vào các thị trường như: Indonesia, Philippines, Hàn Quốc hay thị trường châu Phi; với cà phê có thể tìm kiếm thị trường mới tại khu vực Trung Đông; còn trái thanh long, có thể mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan,…
Tại cuộc họp ngày 31/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết, và trên thực tế Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch nCoV thì trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển.
Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, diễn biến tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, hiệp hội để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng để thực hiện các biện pháp chống dịch.
“Phối hợp với Cục Công nghiệp rà soát nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất khẩu trang tại các cơ sở sản xuất trong nước, đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất tránh làm gián đoạn các hoạt động sản xuất cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho việc phòng, chống dịch bệnh”, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu.
Theo vietnamnet.vn