Kiên Giang: Nỗ lực khắc phục ô nhiễm môi trường

Tình trạng các khu đô thị và khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên phần lớn lượng nước thải được thải trực tiếp ra ao, hồ, kênh, rạch và cống thoát nước chung gây ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến cảnh quan và sức khỏe con người.

Sản xuất và sinh hoạt không đảm bảo quy chuẩn về môi trường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các khu đô thị và khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên phần lớn lượng nước thải được thải trực tiếp ra ao, hồ, kênh, rạch và cống thoát nước chung gây ô nhiễm môi trường; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản…được sử dụng rất nhiều làm ô nhiễm môi trường đất, nước rất nghiêm trọng. Mỗi ngày tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh trên 29.000 m3, trong đó tại các khu công nghiệp khoảng 1.802,5 m3 và tổng lượng nước thải chăn nuôi phát sinh trên 80.270 m3/ngày/đêm, trong đó lượng nước thải chăn nuôi được sử dụng sản xuất biogas chỉ đạt khoảng 1.012,96 m3/ngày, chiếm tỉ lệ 13%; trung bình mỗi ngày nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 153.326,44 m3, trong đó nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh 52.197,32 m3 và nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn phát sinh 101.129,12 m3.

Ngoài ra, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh mỗi ngày khoảng 450,07 tấn/ngày (đã tính lượng phát sinh do khách du lịch trên địa bàn huyện Phú Quốc); tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị đạt khoảng 89,35%; tỷ lệ xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh đạt 38,43%. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị được người dân thu gom vào các thùng rác công cộng nhưng chưa được phân loại cụ thể và hàng ngày được nhà nước thu gom, một phần đem đi xử lý tái chế, tái sử dụng, sản xuất phân bón hoặc thu hồi năng lượng chiếm tỷ lệ khoảng 30%, phần còn lại đổ đống tại các bãi rác lộ thiên, không đảm bảo quy chuẩn môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn một phần được xe thu gom mang đi để xử lý, một phần người dân tự đào hố chôn lấp, ủ phân, một phần thải trực tiếp ra môi trường ao, hồ, biển, sông, rạch gây ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là làm gia tăng tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và một phần đổ đống tại các bãi rác hở của các huyện. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh 440,05 tấn/ngày; số lượng, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom 118,14 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 26,85%. Rác thải tại các bãi chôn lấp đã và đang gây ô nhiễm môi trường do chưa được xử lý triệt để và còn chậm do chưa có nguồn kinh phí thực hiện.Ông Lý Hoàng Phú, Chánh văn phòng Sở tài nguyên và môi trường tỉnh, cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp nằm phân tán ngoài khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư xử lý môi trường triệt để là một trong những vấn đề gây ô nhiễm môi trường của tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 9.972 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp; có 19 bệnh viện đa khoa (4,830 giường bệnh), 14 phòng khám đa khoa khu vực (250 giường bệnh), 131 trạm y tế xã, phường (842 giường bệnh) và 02 nhà hộ sinh thì lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại 19 bệnh viện đa khoa khoảng 1,025 tấn/ngày.

Lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt gần 100%. Tuy nhiên, việc vận hành lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại của các cơ sở y tế hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại như: công nghệ cũ, thiếu nhân viên vận hành và bảo dưỡng, lò đốt đã xuống cấp hoặc hư hỏng thường xuyên; kỹ thuật vận hành lò cũng chưa được các cơ sở quan tâm đúng mức nên đốt không cháy được hoàn toàn chất thải cần đốt.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 02 nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh đó là Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, xử lý rác thải của thành phố Rạch Giá; một phần của các huyện Hòn Đất, An Biên, Tân Hiệp và Châu Thành và Nhà máy xử lý rác năng lượng tái tạo Toàn Cầu xử lý rác cho huyện Phú Quốc. Hai nhà máy này chưa đảm bảo xử lý đạt công suất và tiến độ dự án đầu tư, tỉnh đã có chủ trương thu hồi. Các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh đều có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt nhưng các bãi chôn lấp này đều không đảm bảo quy chuẩn về môi trường.

Tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân

Các biện pháp hạn chế phát sinh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Để công tác quản lý và bảo vệ môi trường của tỉnh ngày càng tốt hơn, khắc phục và ngăn chặn có hiệu quả ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội hài hòa với bảo vệ môi trường, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cán bộ phụ trách môi trường các cấp thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc kê khai, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.Xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin về môi trường phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh.

Đầu tư hệ thống nhân lực, trang thiết bị quan trắc đáp ứng yêu cầu về nội dung, tần suất, quản lý số liệu theo quy định.Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường; tổ chức xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo đúng quy định.

Nâng cao trách nhiệm, chất lượng trong thẩm định và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đề án bảo vệ môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn chi sự nghiệp môi trường, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường và không để phát sinh các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

Thực hiện tốt tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản về bảo vệ môi trường hiệu quả ở địa phương, người dân đã áp dụng nhiều mô hình như: mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học, mô hình nuôi heo theo hướng VietGAP, mô hình lắp hầm Biogas, xây 200 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, mô hình cùng nông dân bảo vệ môi trường… đã giúp người dân giảm chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận góp phần bảo vệ môi trường hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững, ông Nguyễn Văn Tâm – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Để tăng cường năng lực và thể chế về bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Rà soát, điều chỉnh lại thời gian thực hiện lập và gửi báo cáo Công tác bảo vệ môi trường các cấp trong Thông tư số 19/2016/TT- BTNMT cho hợp lý hơn và giảm bớt một số chỉ tiêu không cần thiết. Đồng thời bổ sung các quy định quản lý đặc thù riêng đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề.

Đồng thời ban hành chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững như: Tăng cường năng lực và thể chế về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng ngừa và xử lý ô nhiễm. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính và ban hành các cơ chế, chính sách mở tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp cận với các công nghệ mới và các nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm. Hỗ trợ kinh phí, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật xử lý môi trường cho tỉnh để thực hiện các dự án xử lý chất thải và khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo moitruong.net.vn

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *