Phụ nữ TP HCM sinh ít vì làm việc nhiều
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói, tỷ lệ sinh ở TP HCM thấp là do phụ nữ làm việc nhiều hơn bình quân cả nước, không có thời gian cho gia đình.
“Báo chí nói phụ nữ thành phố lười sinh là chưa đúng, nguyên nhân khách quan là do họ làm việc quá nhiều. Quá bận rộn nên họ không có thời gian dành cho gia đình và sinh con”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.
Tỷ suất sinh của TP HCM hiện là 1,3 – thấp nhất cả nước. Thực trạng này cũng xảy ra ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… và nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính là người lao động phải làm việc quá nhiều. Do vậy các nước đã quy định không được bắt người lao động làm việc quá 52 giờ mỗi tuần.
Dẫn thống kê năm 2017, ông Nhân so sánh, bình quân người lao động Việt Nam làm 44 giờ mỗi tuần (khoảng 5 ngày rưỡi), riêng TP HCM là 54 giờ (khoảng 6 ngày rưỡi) – hơn cả nước một ngày.
“Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ. Năng suất lao động của thành phố gấp 3 lần cả nước, người lao động làm việc hơn một ngày, thì không thể còn thời giờ dành cho gia đình”, ông Nhân nói, yêu cầu Liên đoàn Lao động và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM phải vận động các doanh nghiệp để người lao động có đủ thời gian nghỉ ngơi.
Trước đó, để tăng tỷ suất sinh tại TP HCM, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa (Sở Y tế TP HCM) đã đề xuất hàng loạt chính sách như: hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với người có hộ khẩu thường trú; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con; miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi và triển khai chương trình sữa học đường.
Chi cục cũng đưa ra một số phương án hỗ trợ như cho nghỉ thai sản một năm với người mẹ, nghỉ thai sản một tháng cho người cha. Sắp xếp ngày nghỉ, buổi nghỉ chăm trẻ cho các gia đình có con dưới 3 tuổi, nâng số ngày nghỉ phép hưởng lương cho các gia đình có con dưới 5 tuổi.
Thành phố sẽ hỗ trợ phụ nữ quay lại công việc và thị trường lao động sau sinh; mở rộng các hình thức trông trẻ tại các trường mẫu giáo công từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi; ưu tiên chi phí trông trẻ và xét tuyển vào trường mẫu giáo công đối với các gia đình có đủ hai con, mở các hình thức giáo dục sau giờ học với chi phí thấp…
Đánh giá kinh tế – xã hội thành phố năm 2019, năm thứ tư liên tục tăng trưởng kinh tế, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nói: “Trong tình hình nguồn ngân sách được để lại thấp, mà có tốc độ tăng trưởng như vậy là rất đáng trân trọng”.
Năm nay thành phố sẽ trình Bộ Chính trị các đề án quan trọng là tỷ lệ phân chia ngân sách, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 về một số chính sách đặc thù, cải cách hành chính…
Các vấn đề “nóng” như sai phạm ở Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, chợ An Đông hiện đã có giải pháp nên tình trạng khiếu kiện đông người giảm hẳn. Thành phố cũng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 23 về trật tự xây dựng, đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức tốt các sự kiện quan trọng. Các vấn đề về ngập nước, giao thông phải được giải quyết, trong đó quan trọng là hoành thành công trình chống ngập gần 10.000 tỷ đồng…
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý lãnh đạo các sở ngành và 24 quận huyện về nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính; xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh gắn với Khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng hạ tầng giao thông; giảm ùn tắc, ngập nước, ô nhiễm môi trường…
Trung Sơn (vnexpress.net)