Bức Tranh Nợ Xấu Của 26 Ngân Hàng Trong 9 Tháng Đầu Năm
Nợ xấu đang là một trong những thách thức lớn đối với các ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay. Trong số 26 ngân hàng được thống kê, chỉ có 3 ngân hàng có nợ xấu giảm, các ngân hàng còn lại nợ xấu đều tăng, kể cả các ngân hàng lớn.
Cụ thể đến cuối tháng 9/2019, tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng này lên đến con số hơn 113.000 tỷ đồng, tăng hơn 15.000 tỷ đồng so với đầu năm (tương đương tăng khoảng 15%).
Trong số này chỉ có 3/26 ngân hàng có nợ xấu giảm trong 9 tháng đầu năm là Eximbank (giảm 4,6%), SeABank (giảm 3,6%) và Saigonbank (giảm 2,3%). 23 ngân hàng còn lại có nợ xấu tăng khá mạnh, bất kể ngân hàng lớn hay nhỏ. Đơn cử như tại ABBank, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng tới 79% lên 1.766 tỷ đồng, SHB tăng 39% lên 7.227 tỷ đồng, Techcombank tăng 32% lên 3.704 tỷ đồng, MBBank tăng 30% lên 3.730 tỷ đồng, NamABank tăng lên 1.496 tỷ đồng… Đáng chú ý, ngay cả khi tín dụng tăng trưởng chậm, thậm chí không tăng trưởng so với cuối năm 2018 thì nợ xấu của các ngân hàng này vẫn tăng nhanh.
Bên cạnh các ngân hàng nhỏ thì các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank cũng ngập trong nợ xấu. Cụ thể đến cuối tháng 9 nợ xấu nội bảng của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Đáng chú ý, trong khi nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 giảm thì nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng tới 70% lên 12.194 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 2,09% cuối tháng 9.
Tại Vietcombank, tổng nợ xấu tăng 22,5% so với đầu năm, ở mức 7.625 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 1,18%, tăng so mức 1,14% của đầu kỳ. Tại Vietinbank, nợ xấu nội bảng tại ngày 30/9 là 14.066 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 1,58% xuống 1,56%. Riêng tại Sacombank, cuối tháng 9 nợ xấu nội bảng của ngân hàng này là 5.809 tỷ đồng, tăng 2,9% so với đầu năm.
Như vậy 5 ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn nhất hiện nay là BIDV, Agribank, VietinBank, VPBank, Vietcombank. Ngoài 4 gương mặt thân quen BIDV, Agribank, VietinBank, VPBank thì năm nay Vietcombank là cái tên mới so với cách đây một năm, thay cho Sacombank. So với cách đây 2 năm, nợ xấu của Sacombank đã giảm được hơn một nửa. Kết quả này cũng phần nào minh chứng nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản cùng việc đẩy mạnh xử lý nợ của nhà băng này đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Trong cơ cấu nợ xấu của 26 ngân hàng, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ cao nhất (57%); trong đó các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank, SHB, Sacombank, Techcombank đều có tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn ở mức cao (trên 50%). Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay khách hàng) ở mức thấp nhất hệ thống hiện nay bao gồm ACB (0,67%), Vietcombank (1,08%), BacABank (0,72%), Kienlongbank (1,07%), ….
Dĩ nhiên nợ xấu nội bảng chưa thể phản ánh toàn diện bức tranh nợ xấu tại các ngân hàng. Chẳng hạn Sacombank dù có nợ xấu nội bảng chỉ ở mức 5.809 tỷ đồng (đứng thứ 6 trong hệ thống) nhưng còn hơn 35.000 nợ xấu tại VAMC (cao nhất hệ thống). Tương tự SCB dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ ở mức 0,46% nhưng còn hơn 28.000 trái phiếu đặc biệt của VAMC và lãi dự thu, các khoản phải thu hơn 60.000 tỷ (cao nhất hệ thống).
Ngọc Hạnh