Thành Phố Hồ Chí Minh Thiếu Nhà Ở Cho Người Thu Thập Thấp
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là nhiệm vụ lớn trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu nguời sau mỗi 5 năm ở TP HCM giai đoạn 2021-2025 sáng 17/9, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, thống kê dân số gần nhất là 9 triệu người nhưng thực tế có khoảng 13 triệu người đang làm việc và học tập tại đây. Do đó, xây dựng cơ chế phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ cho người thu nhập thấp và người nhập cư là yêu cầu lớn với lãnh đạo thành phố.
Ông dẫn số liệu cho thấy, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng mạnh trong khoảng một thập kỷ qua. Cụ thể, năm 2010 đạt 14,3 m2 và đến cuối tháng 6/2019 đã xấp xỉ 20 m2.
Tuy nhiên, ông nói, hầu hết người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư vẫn sống trong điều kiện chật chội, cũ kĩ và chưa đảm bảo vệ sinh. “Phần lớn họ không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí thuê với mức giá phù hợp cũng là điều hết sức khó khăn”, ông Phong nói về thực trạng nhà ở của thành phố.
Giáo sư Yap Kioe Sheng thuộc Viện Công nghệ châu Á (AIT) khẳng định rất khó cung ứng loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu về chi phí, địa điểm, quyền sử dụng và điều kiện tài chính của người có thu nhập thấp.
Khảo sát của ông tại một số quốc gia trong khu vực cho thấy các chương trình nhà ở xã hội thường cung ứng số lượng lớn căn hộ tiêu chuẩn ở vùng ven. Để tăng khả năng tiếp cận của người dân, giá thuê hoặc bán đều được trợ cấp cao. Tuy nhiên, điều này nhanh chóng làm cạn kiệt ngân sách của các thành phố dành cho chương trình nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu nhà ở. Chưa kể các khoản trợ cấp tạo ra chênh lệch lớn so với thị trường nên việc sang nhượng khiến giá nhà không ngừng tăng lên so với ban đầu.
Ông Sheng cho biết, một bộ phận lớn dân cư thành thị không đủ khả năng mua hoặc thuê một căn nhà rẻ nhất của các doanh nghiệp tư nhân. Nhóm doanh nghiệp này cũng không quan tâm đến việc cung cấp nhà ở phân khúc giá rẻ vì biên lợi nhuận thấp, trong khi nhu cầu của tầng lớp trung và thượng lưu đã đủ khiến họ bận rộn. “Vì thế, muốn thực hiện các chương trình nhà ở giá rẻ, thành phố cần sự đóng góp của nhiều chủ thể như doanh nghiệp tư nhân, cơ quan nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận”, ông Yap Kioes Sheng nói.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng, tại TP HCM, số lượng hộ gia đình chưa sở hữu nhà hoặc sống ở nơi thiếu kiên cố, có diện tích dưới mức tối thiểu còn cao. Bên cạnh đó, nhiều dự án phát triển nhà ở vẫn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ. Ông Sinh đề nghị TP HCM sớm rà soát, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, huy động nguồn vốn trung và dài hạn, kết hợp nhiều bên… để phát triển phân khúc nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Dự báo nhu cầu nhà ở của TP HCM trong giai đoạn 2016-2020 là 40 triệu m2 sàn, trong 5 năm tiếp theo là 45 triệu m2. Tính đến hết nửa đầu năm nay, thành phố đã phát triển được hơn 35 triệu m2 và có thể vượt chỉ tiêu khoảng 12% khi kết thúc giai đoạn này. Trong định hướng chung, thành phố sẽ tăng tỷ lệ chung cư trong các dự án xây dựng nhà ở mới hơn 90%. Đồng thời, tăng tỷ trọng nhà cho thuê và chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang cao tầng nhằm tối ưu quỹ đất để phát triển giao thông, công viên, bãi đậu xe.
Bizc.vn