Hương Vị Lạ Của Trái Quýt Vàng Mọc Ở Vùng Núi Đá Vôi
Hàng chục năm nay, giống quýt vàng Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã nổi tiếng bởi màu vàng của nắng, vị ngọt của vùng núi đá vôi. Quýt vàng Bắc Sơn được phân bố chủ yếu ở Huyện Bắc Sơn với diện tích trên 490 ha trong đó diện tích cho thu hoạch là 362 ha, đạt sản lượng khoảng 1800 tấn mỗi năm.
Quýt vàng Bắc Sơn được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao…Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau. Sản phẩm quýt Bắc Sơn chủ yếu được bán cho các thương lái đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, các vùng lân cận và Hà Nội.
Sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ tại Quyết định số 73864/QĐ-SHTT ngày 24/10/2017. Việc được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể chính là một bước ngoặt quan trọng trong phát triển cây quýt vàng đặc sản của huyện Bắc Sơn. Đồng thời mở ra hướng phát triển, liên kết sản xuất mới cho bà con nhân dân trong huyện.
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, một trong những loại quả đặc sản của Lạng Sơn được nhiều người tìm mua là quýt vàng Bắc Sơn. Mỗi kg quýt vàng Bắc Sơn dịp cận tết có thể lên đến 40.000 đồng. Quýt Bắc Sơn có hai loại là quả tròn và quả dẹt. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít xơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả.
Anh Triệu Văn Trác, một chủ thương lái tại thành phố Lạng Sơn cho biết: “Quýt Bắc Sơn luôn được thị trường ưa chuộng, ra đến đâu bán hết đến đấy nên thương lái chúng tôi thường phải đặt hàng trước, thậm chí mua đứt cả vườn từ đầu năm và đặt cược được thua vào sản lượng của vườn khi đến mùa thu hoạch. Việc trông coi và chăm sóc quýt thương lái hoàn toàn yên tâm giao cho chủ vườn vì người dân nơi đây rất thật thà và loại cây này cũng không mất quá nhiều công sức để chăm sóc. Hơn nữa, quýt thường được trồng trong các thung lũng sâu trong các dãy núi, chỉ có thể vận chuyển ra ngoài bằng cách gánh gồng đi bộ hàng km”.
Quýt Bắc Sơn ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô nên sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá vôi, độ cao 500 – 700 m so với mực nước biển. Vùng núi Bắc Sơn sở hữu đất đai tương đối màu mỡ, chủ yếu là đất feralit nâu đỏ hoặc màu vàng nên là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có.
Cây quýt vàng Bắc Sơn được trồng ở huyện Bắc Sơn cách đây trên 100 năm, lúc đó chủ yếu được trồng ở vườn nhà hoặc các thung lũng. Quýt được coi là loại quả bổ dưỡng tự sản, tự tiêu, thời điểm đó người dân chủ yếu trồng để ăn và dùng làm dược liệu. Đến cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cây quýt bắt đầu trồng nhiều ở các xã: Nhất Hòa, Nhất Tiến, Chiến Thắng, Vũ Sơn và sau đó mở rộng ra các xã: Bắc Sơn, Tân Hương, Hữu Vĩnh, Quỳnh Sơn… Thay vì trồng để ăn, làm gia vị hoặc dùng làm dược liệu trong một số bài thuốc dân gian, quýt vàng Bắc Sơn lúc này đã được đem bán ra thị trường. Quýt được bán ở các chợ trong tỉnh rồi đến các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Bắc Giang… thậm chí còn được đưa sang nước ngoài. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ quýt, người dân tích cực trồng, mở rộng diện tích. Tuy nhiên, do được trồng từ lâu, nhiều diện tích quýt đã bị thoái hóa và hiện nay, nhiều xã đang khôi phục.
Minh Đường