Nhận Diện Nông Sản Chủ Lực Quốc Gia
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang soạn thảo dự thảo Thông tư ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, trong đó, Bộ đề xuất 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, cá tra, tôm, thịt, rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ…
Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 15 sản phẩm chủ lực quốc gia gồm lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, chè, sắn và sản phẩm từ sắn, sâm, rau quả, lợn, bò (thịt), gà, cá tra, tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm), gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Như vậy, ngoài các sản phẩm nông nghiệp truyền thống như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè…thì sâm cũng được lựa chọn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
Đầu tháng 9, Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa được khánh thành. Sản phẩm sâm thuộc danh mục sản phẩm Quốc gia theo quyết định của Thủ tướng từ ngày 05/6/2017.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên thế giới, đã có nhiều quốc gia xác định sản phẩm nông sản chủ lực để khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bộ chỉ số thống nhất nào để xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực giữa các quốc gia trên thế giới. Thay vào đó, tùy theo từng điều kiện về tự nhiên, kinh tế – xã hội cũng như mục tiêu về chính trị, an sinh xã hội của mỗi quốc gia mà các nước này lựa chọn sản phẩm nông sản chủ lực để tập trung phát triển.
15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia gồm:
1- Lúa gạo; 2- Cà phê; 3- Cao su; 4- Điều; 5- Hồ tiêu; 6- Chè; 7- Sắn và sản phẩm từ sắn; 8- Sâm; 9- Rau quả; 10- Lợn; 11- Bò (thịt); 12- Gà; 13- Cá tra; 14- Tôm (gồm: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm); 15- Gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Qua tổng quan kinh nghiệm quốc tế về xác định và phát triển sản phẩm chủ lực, có bốn nhóm tiêu chí chính mà hầu hết các nước đều sử dụng để xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của mình, bao gồm: 1) Nhóm tiêu chí về kinh tế; 2) Nhóm tiêu chí về xã hội; 3) Nhóm tiêu chí về môi trường; 4) Nhóm tiêu chí về sản phẩm ưu tiên phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Thặng dư ngành nông nghiệp đã tăng từ 7 tỷ USD năm 2015 lên 8,5 tỷ USD năm 2017 và sẽ vượt 9 tỷ USD trong năm nay, góp phần đáng kể vào cân đối ngoại tệ cho quốc gia. Xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng trong xuất khẩu, mở rộng thị trường tới 180 nước, chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Pháp…“Với đà này, năm 2018, xuất khẩu ngành nông nghiệp có thể sẽ vượt 40 tỷ USD, tăng cả về lượng về chất”, Bộ trưởng dự báo.
Thời gian qua, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo 3 trực nhóm sản phẩm đang đi đúng hướng, đặc biệt là việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, đưa công nghệ cao vào sản xuất, điển hình là ngành sữa, thuộc nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm hàng cấp tỉnh như vùng trồng vải thiều, hay gà đồi Bắc Giang…
Kết quả của tái cơ cấu nông nghiệp được chứng minh qua tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2018 đạt 3,65%. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 9 tháng đầu năm 2018 đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu quý đã đề ra.
Đáng lưu ý, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và vượt mục tiêu như: Gạo 2,48 tỷ USD, tăng 23,1%; lâm sản chính 6,64 tỷ USD, tăng 14%; rau quả và trái cây 3,034 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Hết 9 tháng. thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp đạt 6,2 tỷ USD, tăng 2,85% so với 9 tháng đầu năm 2017.
Victor Thai