Những tên tội phạm sang chảnh Trung Quốc ở Việt Nam
Những ổ nhóm tội phạm người Trung Quốc hoạt động rất tinh vi, bài bản song đã bị lực lượng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an triệt phá.
Thời gian vừa qua, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành rộ lên tình trạng các đối tượng trong nước cấu kết với tội phạm ở nước ngoài giả danh cơ quan chức năng gọi điện thoại đến người dân để lừa đảo.
Đặc biệt đã xuất hiện những ổ nhóm tội phạm người Trung Quốc mò sang Việt Nam để quay lại lừa đảo chính người dân Trung Quốc, đồng thời “truyền nghề” cho các đối tượng khác. Dù bọn chúng hoạt động rất tinh vi, bài bản song đã bị lực lượng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an triệt phá.
1. Lúc đó là khoảng 9 giờ sáng. Tại một căn phòng siêu sang trong khu nghỉ dưỡng 5 sao ven biển Hải Nam (Trung Quốc), ông trùm Li Min Tian sau khi ăn một tô mỳ đặc biệt thì nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế sofa, miệng ngậm điếu xì gà, ngón tay y vuốt vuốt trên máy tính bảng Ipad. Mắt ông trùm sáng rực lên khi nhìn thấy chỉ sau một đêm mà số tiền chảy vào tài khoản của hắn lên đến vài trăm ngàn nhân dân tệ. Như sực nhớ ra điều gì, Li gọi điện thoại cho thuộc hạ, bảo làm hộ chiếu cho một nhóm đàn em chuẩn bị lên đường đi “công tác”.
Cùng lúc đó, tại một căn phòng khá rộng và bừa bộn tại một khu đầm nuôi tôm trên địa bàn huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng), một nhóm đối tượng người Trung Quốc bắt đầu khởi động công việc. Sau mỗi cú điện thoại là những tràng cười lớn phát ra từ những gã trung niên.
Lãnh đạo phòng 3 Cục phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trao trả tang vật cho Công an Trung Quốc.
Chợt điện thoại một tên có thông báo tin nhắn, hắn chăm chú đọc rồi khoe với đồng bọn chuẩn bị được trở về quê hương cùng với số tiền lương đủ để tiêu xài xả láng. Các đối tượng không hề biết rằng, những hoạt động phạm tội của chúng đã lọt vào tầm ngắm của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CSPCTPSDCNC), Bộ Công an Việt Nam từ nhiều tháng trước. |
Một lãnh đạo Phòng 3 Cục CSPCTPSDCNC cho chúng tôi biết, khoảng giữa năm 2016, qua công tác trinh sát nắm địa bàn, cơ quan Công an phát hiện một ổ nhóm người nước ngoài xuất hiện tại địa bàn huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) có những biểu hiện rất đáng ngờ.
Bọn chúng thuê một khu đầm nằm gần như biệt lập hoàn toàn với xung quanh. Mỗi tuần một tên trong nhóm đi chợ, mua về rất nhiều thực phẩm. Người dân quanh vùng cũng không ai biết chúng đến đây với mục đích gì. Còn chủ đầm chỉ biết rằng nhóm người Trung Quốc thuê đất để nghiên cứu về việc… nuôi giun đất!
Tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an phát hiện ra nhóm đối tượng này đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, ẩn dưới những thủ đoạn tinh vi. Cơ quan Công an đã lập chuyên án đấu tranh. Một tổ công tác của Phòng 3 Cục CSPCTPSDCNC đã có mặt tại TP Hải Phòng, phối hợp với nhiều đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP tiến hành hoạt động trinh sát liên hoàn, nhằm thu thập chứng cứ để chuẩn bị phá án.
Không quản thời tiết mưa phùn gió rét, các trinh sát đã tiếp cận khu đầm nuôi tôm và nắm được số lượng các đối tượng và thủ đoạn hoạt động của chúng. Đồng thời anh em cũng “hack” được vào tổng đài VOIP của chúng để thu thập được rất nhiều dữ liệu, chứng cứ điện tử khác.
Thời cơ chín muồi, vào một buổi sáng cuối năm 2016, tổ công tác của Cục CSPCTPSDCNC có mặt tại Hải Phòng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hải Phòng… bất ngờ ập vào khu đầm ở huyện Tiên Lãng, bắt toàn bộ các đối tượng người Trung Quốc và Đài Loan, thu nhiều tang vật là các máy tính với hàng trăm ngàn MB dữ liệu.
Cơ quan Công an đã làm rõ nhóm đối tượng trên, dưới sự chỉ đạo của ông trùm ở Trung Quốc đã sang Việt Nam thiết lập tổng đài VOIP (gọi điện thoại qua mạng Internet) gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Trung Quốc.
Cơ quan Công an tổ chức khám xét, bắt quả tang đường dây lừa đảo của các đối tượng người Trung Quốc. |
Bọn chúng đóng vai cơ quan Công an thông báo đang điều tra họ vì liên quan đến vụ án nghiêm trọng do Trung ương Đảng đang chỉ đạo điều tra, nghi rửa số tiền lên đến hàng triệu nhân dân tệ. Khi bị hại thanh minh không liên quan đến vụ án, các đối tượng yêu cầu phải chuyển tiền có trong tài khoản để cơ quan Công an kiểm tra, nếu không liên quan đến vụ án sẽ trả lại ngay. |
Các đối tượng yêu cầu người bị hại không được tiết lộ với bất cứ ai và hướng dẫn họ sử dụng dịch vụ Internet banking để chuyển tiền hoặc chuyển qua ATM đến tài khoản của chúng chỉ định. Với thủ đoạn này số tiền mà chúng chiếm đoạt của các bị hại lên tới hàng trăm ngàn nhân dân tệ.
2. Trước đó năm 2014, Cục CSPCTPSDCNC cũng đã phối hợp Công an TP Hải Phòng phát hiện nhiều ổ nhóm đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam thiết lập hệ thống tổng đài VOIP gọi điện thoại mạo danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân Trung Quốc.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Phòng 3, Cục CSPCTPSDCNC đã tổ chức lực lượng điều tra xác minh và phát hiện nhóm đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thuê toàn bộ căn biệt thự riêng biệt tại khu biệt thự Anh Dũng 3 (phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) làm nơi ăn nghỉ và hoạt động tội phạm. Bọn chúng thuê người Việt Nam mua đồ ăn và đứng tên chủ hợp đồng đăng ký sử dụng dịch vụ Internet tốc độ cao với các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam.
Các đối tượng lắp đặt nhiều camera xung quanh biệt thự để quan sát khiến công tác trinh sát gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an nắm được số lượng người trong căn biệt thự trên khoảng 20 đối tượng. Bọn chúng gần như 24/24h chỉ sinh hoạt bên trong biệt thự và thỉnh thoảng lên nóc biệt thự để hút thuốc, giải lao, nghỉ ngơi.
Đồng thời cơ quan Công an cũng xác định hàng ngày từ căn biệt thự trên có trung bình khoảng 100 cuộc gọi đến các thuê bao điện thoại cố định và điện thoại di động tại Trung Quốc, có những cuộc hội thoại dài khoảng 5-10 phút, có cuộc dài hàng giờ đồng hồ. Do nguồn tài liệu thu thập được rất nhiều và ngôn ngữ là tiếng Trung Quốc nên cán bộ trinh sát của Phòng 3 phải liên tục thay ca để dịch, phân tích, lắp ghép các cuộc điện thoại sao cho thật chính xác làm chứng cứ đấu tranh.
|
|
Kết quả dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt cho thấy các cuộc gọi đều có chung một kịch bản là mạo danh nhân viên công ty chuyển phát nhanh ở Thượng Hải gọi bị hại thông báo có bưu kiện. Do địa chỉ của bị hại ở quá xa và không quen người gửi nên công ty chuyển phát nhanh mở bưu kiện thấy có rất nhiều chứng minh nhân dân. |
Theo quy định thì bưu kiện đã được chuyển sang cơ quan Công an để giải quyết. Sau đó bọn chúng tiếp tục đóng vai cơ quan Công an thông báo đang điều tra họ vì liên quan đến vụ án nghiêm trọng do Trung ương Đảng đang chỉ đạo điều tra, nghi rửa tiền hàng triệu nhân dân tệ. Người bị hại thanh minh không liên quan đến vụ án, phía mạo danh cảnh sát yêu cầu phải chuyển tiền có trong tài khoản để cơ quan Công an kiểm tra, nếu không liên quan đến vụ án sẽ trả lại ngay.
Ngoài ra các đối tượng còn sử dụng các kịch bản khác như: nêu lý do bị hại làm hộ chiếu đi Myanmar, sau đó thông tin cá nhân bị sử dụng liên quan đến các vụ án rất nghiêm trọng cơ quan Công an đang điều tra… Cơ quan Công an cũng xác định được một số cuộc gọi lừa đảo thành công chiếm đoạt số tiền khoảng 220.000 NDT (khoảng 750 triệu đồng) của một bị hại ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Cơ quan điều tra còn phát hiện nhóm đối tượng này thường xuyên liên hệ, trao đổi với một nhóm đối tượng khác thông qua các công cụ QQ chat. Quá trình xác minh xác định nhóm thứ 2 này thuê một ngôi nhà trên đường Nguyễn Văn Linh (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) có hoạt động giống như nhóm đối tượng ở phường Anh Dũng (quận Lê Chân).
Ngày 4-11-2014, thực hiện kế hoạch đã được ban chuyên án phê duyệt, lực lượng Cảnh sát công nghệ cao cùng Công an TP Hải Phòng đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra hai hang ổ của các đối tượng, bắt quả tang 28 đối tượng trong đó có 7 đối tượng người Trung Quốc, 21 đối tượng người Đài Loan – Trung Quốc) đang thực hiện các cuộc gọi về Trung Quốc, thu giữ nhiều kịch bản, máy tính, điện thoại liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng.
Khai thác nóng các đối tượng bị bắt giữ, lực lượng phá án phát hiện còn một nhóm đối tượng người Đài Loan và Trung Quốc khác đang tổ chức hoạt động phạm tội tại một căn biệt thự thuộc khu biệt thự Mê Linh (phường Anh Dũng, Dương Kinh, Hải Phòng).
Sau khi báo cáo và được sự phê duyệt của lãnh đạo Ban chuyên án, lực lượng phá án đã tiếp tục triển khai lực lượng vây ráp, bất ngờ kiểm tra, bắt giữ tại địa điểm mới 14 đối tượng (trong đó có 3 đối tượng người Đài Loan, 11 đối tượng người Trung Quốc) cùng nhiều tài liệu, tang vật, phương tiện hoạt động phạm tội…