Viber, LINE đang ở đâu trong cuộc chiến giành người dùng?
Viber chăm chút kỹ các khách hàng trung thành, còn LINE lập văn phòng và lên kế hoạch cho một cuộc trở lại mới ở Việt Nam.
Sau giai đoạn cạnh tranh riêng trên từng mặt trận, như nhắn tin, gọi xe, gọi thức ăn, thanh toán di động… Các nhà làm ứng dụng đang dần “chạm mặt” nhau trên cùng chiến trường. Đó là cùng hướng đến hút càng nhiều người dùng càng tốt, vì ai cũng muốn trở thành hệ sinh thái riêng, ứng dụng đa năng riêng.
Grab gần đây không đơn thuần là ứng dụng gọi xe mà hướng đến “siêu ứng dụng” với tham vọng về thanh toán di động. Zalo không chỉ là ứng dụng nhắn tin mà có thêm ví điện tử, dịch vụ chính phủ điện tử, thử nghiệm gọi xe, gọi thức ăn… Go-Viet dù mới xuất hiện nhưng tuyên bố sẽ thành ứng dụng đa năng.
Mới nhất, Now của Foody đang âm thầm tuyển dụng các tài xế đã làm việc trong hệ thống để lấn sân sang mảng chở khách. Now định hình sẽ thành dịch vụ gọi xe ôm hai bánh mà tài xế chỉ chạy xe tay ga.
Cuộc đua của các ứng dụng đặt câu hỏi về Viber, LINE, hai ứng dụng từng “làm mưa làm gió” trước năm 2015. Viber còn có thời chiếm 60% thị phần với 23 triệu người dùng. Liệu hai ứng dụng này có hoàn toàn từ bỏ thị trường đông dân thứ 3 Đông Nam Á, nơi hàng loạt ứng dụng mới hăm hở lao vào?
Sau khi chuyển văn phòng về trụ sở điều hành chung tại Phillipines, Viber vẫn không bỏ thị trường Việt Nam. Nhất là thời gian gần đây, ứng dụng liên tục cập nhật những cải tiến mới cho người dùng, như cải thiện tốc độ truyền tin nhắn lên gấp đôi, cải thiện giao diện hiển thị nội dung chữ và hình ảnh. Đồng thời, ứng dụng tuyên bố mã hóa đầu cuối nội dung tin nhắn. Viber cho hay nội dung được bảo mật bởi bên thứ ba mà chính hãng cũng không đọc được tin nhắn người dùng.
Dù còn yếu thế hơn so với Messenger hay WhatsApp nhưng các báo cáo gần đây cho biết lượng người dùng Viber đang dần tăng lên ở nhiều khu vực trên thế giới. |
“Cung cấp trải nghiệm giao tiếp đặc biệt cho hàng trăm triệu người đang sử dụng mỗi ngày là điều thúc đẩy chúng tôi liên tục đổi mới. Chúng tôi muốn đem đến cho người dùng một cái nhìn không chỉ tuyệt đẹp mà còn hoạt động tốt hơn”, ông Ofir Eyal – Phó chủ tịch Sản phẩm của Viber nói.
Rõ ràng, Viber vẫn chuyên tâm chăm sóc các khách hàng trung thành với ứng dụng nhắn tin hơn là bổ sung dịch vụ mới. Về dài hạn, Viber có thể phát triển được phân khúc người dùng đòi hỏi cao về bảo mật và giao diện giản tiện trên một ứng dụng, thay vì ứng dụng đa năng.
Tại các thị trường phát triển, lực lượng người dùng này khá đông đảo. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì cần thêm thời gian. Ứng dụng đa năng vẫn còn thắng thế khá nhiều. Ứng dụng đa năng như WeChat thành công tại Trung Quốc nhưng Facebook, Google hay Snapchat hiện tại rất dè dặt khi tích hợp dịch vụ mới là ví dụ.
Phóng viên Annie Wang của tạp chí Radii China phân tích, luật pháp và thói quen người Mỹ khắt khe trong việc cho phép ứng dụng được quyền tiếp cận thông tin dữ liệu trên điện thoại người dùng. Ứng dụng càng đa năng càng đòi hỏi được tiếp cận nhiều thông tin. Người Trung Quốc thì dễ tính hơn khi cấp quyền tiếp cận thông tin cho ứng dụng.
Cùng đến từ Nhật Bản, so với Viber, LINE vẫn đầu tư mạnh hơn tại Việt Nam. LINE Việt Nam đang đặt trụ sở tại TP HCM và được xây dựng như một trung tâm phát triển sản phẩm của LINE toàn cầu (Tech Hub). Nhiệm vụ của trung tâm này là thu hút nhân tài IT để xây dựng những sản phẩm chiến lược mới.
Buổi gặp gỡ đầu tiên của LINE Việt Nam với khoảng 50 lập trình viên hôm 12/9 tại TP HCM. |
Cách đây mới 3 hôm, LINE đã tổ chức buổi gặp gỡ đầu tiên với 50 lập trình viên tại TP HCM. Công ty cho hay sẽ tổ chức thêm khoảng 4 sự kiện nữa ngay trong giai đoạn cuối năm nay. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện và hỗ trợ nhiều sự kiện công nghệ khác trong thời gian sắp tới”, ông Jeon Je Eon – Trưởng đại diện LINE Việt Nam tuyên bố.
Bà Lưu Quỳnh Anh – Phụ trách truyền thông LINE Việt Nam cho biết, công ty dự kiến sẽ tuyển thêm khoảng 60 nhân sự trong năm tới. Trên thế giới, LINE không chỉ có ứng dụng nhắn tin mà có nhiều dòng sản phẩm khác nhau như LINE Today, Blockchain, LINE Pay, B612, LINE LIVE, Live Quiz Show, Games…
“Tại Việt Nam, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu phản ứng của người dùng để cải tiến sản phẩm ứng dụng tin nhắn phù hợp nhất với người Việt, nhằm có được ưu thế cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm tương tự đang có mặt trên thị trường”, bà Quỳnh Anh nói với VnExpress.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, trong kế hoạch phát triển hiện tại, ứng dụng tin nhắn chưa phải là ưu tiên tiếp cận người dùng tại Việt Nam mà LINE đang chuẩn bị tung ra một “át chủ bài” mới. “Đó sẽ là một trang tin tức tương tác được công ty độc quyền phát triển cho thị trường Việt Nam”, bà Anh bật mí.
Cùng với xu hướng chung của thế giới, các ứng dụng hoạt động tại Việt Nam có tiềm lực và tham vọng, đang áp dụng công thức phát triển với ba bước căn bản.
Bước một, tập trung cung cấp dịch vụ chuyên biệt để thu hút người dùng. Bước hai, khi đạt đủ lượng người dùng mong muốn, phát triển thêm các dịch vụ mới, hướng đến all-in-one app (ứng dụng đa năng). Bước ba, khi hệ sinh thái tương đối hoàn chỉnh thì bắt đầu kiếm lời bằng nhiều cách khác nhau.
Có chuyên gia còn nhận định rằng, khi một công ty có hệ sinh thái riêng cho người dùng thì họ không chỉ phục vụ khách hàng tốt hơn mà còn “kiểm soát” được khách hàng tốt hơn. Cùng với đó, ngành thu thập, phân tích và tận dụng dữ liệu đang được xem là ngành kinh doanh béo bở trong kỷ nguyên số.
Viễn Thông
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]